9h hôm nay (10/5), Chương trình giao lưu trực tuyến về lĩnh vực Thừa phát lại sẽ diễn ra trên Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn).
Khách mời của chương trình là những người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực Thừa phát lại: ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình; ông Chu Xuân Hòa, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thủ đô; ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng.
Ngay sau khi có thông tin về buổi giao lưu trực tuyến hữu ích này, rất nhiều độc giả đã gọi điện về Báo Pháp luật Việt Nam điện tử hỏi thông tin liên quan và đặt câu hỏi cho các vị khách mời.
Bạn đọc Vũ Văn Tú ở quận 1, TP Hồ Chí Minh hỏi: “Tôi đọc một số văn bản thấy nói thừa phát lại được làm nhiều việc hơn cả chấp hành viên. Như vậy có phải Thừa phát lại có quyền “to” hơn chấp hành viên không?”
Bạn đọc Bùi Thị Lan ở thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên lại băn khoăn: “Thừa phát lại thực hiện cưỡng chế thi hành án như thế nào? Có giống với cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước hay không?”
Thắc mắc về một vấn đề liên quan trực tiếp đến mình, bạn đọc Trần Thị Hiền ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng hỏi: “Tôi đang có ý định mua căn nhà nhưng rất phân vân vì “sổ đỏ” chung với chủ nhà. Chủ nhà có hứa sau khoảng 1-2 năm nữa có thể làm thủ tục tách sổ nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Thừa phát lại có thể giúp gì cho tôi để hạn chế rủi ro phát sinh không?”…
Rất nhiều câu hỏi hóc búa khác liên quan tới lĩnh vực Thừa phát lại cũng đang được độc giả dồn dập gửi về Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.
Thừa phát lại đang lập vi bằng về hiện trạng nhà ở. |
Có lẽ, chỉ cách đây 5 năm, khái niệm về Thừa phát lại còn khá xa lạ với không ít người dân. Thừa phát lại là gì, giúp gì cho ndân… Để trả lời câu hỏi đó, cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, công tác tuyên truyền đã được triển khai một cách rốt ráo, quyết liệt, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Sau 5 năm, từ thành công của TP Hồ Chí Minh và các địa phương tiến hành thí điểm, đến nay, chế định thừa phát lại đã được Quốc hội cho triển khai chính thức trên phạm vi cả nước từ 1/1/2016.
Và rồi, khái niệm Thừa phát lại đã dần dần trở nên quen thuộc với người dân.
Người dân đã quen dần với hoạt động thừa phát lại |
Chẳng phải nói đâu xa, cuộc sống thường ngày có vô vàn những tình huống, những sự kiện mà người ta muốn ghi nhận nhưng bế tắc vì không có một cơ quan chức năng nào làm công việc này.
Đơn cử như người dân muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất, trước khi xây dựng, sau khi xây dựng, nhà đất trước, sau khi cho thuê; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản, con dấu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng trái pháp pháp luật, xác nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền của các tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp… thì đều có thể tìm đến với Thừa phát lại.
Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử
Hay như trong xác minh điều kiện thi hành án, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được thi hành án thực hiện nghĩa vụ này còn chưa hiệu quả khiến nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án trở thành gánh nặng cho người được thi hành án và cả Chấp hành viên.
Việc người được thi hành án gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc xác minh điều kiện thi hành án, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng án hiện nay.
Với sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại, trong đó có chức năng xác minh điều kiện thi hành án, bên cạnh lựa chọn Chấp hành viên, người dân có quyền tìm đến với Thừa phát lại.
Với sự ra đời của Thừa phát lại, người dân cũng có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời vì Thừa phát lại còn có chức năng trực tiếp THA.
Đối với các cơ quan nhà nước, Thừa phát lại còn góp phần giảm tải cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung thời gian, biên chế vào việc thực hiện một cách có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính của mình.
Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi và tham gia buổi đối thoại hữu ích về Thừa phát lại trên baophapluat.vn vào 9h hôm nay (10/5).