Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Manuel Tovar Rivera, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica.
Được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica – Ngài Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường tại trụ sở Bộ Công Thương, trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Trong quy định pháp luật của Costa Rica có các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cho đến hết ngày 31/12/2023, theo thống kê của WTO, Costa Rica đã khởi xướng điều tra 12 vụ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil, Chile, Mexico, Hoa Kỳ, Nicaragua, El Salvador, Venezuela và Guatemala.
Việc Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica trao Công hàm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp là một động thái tích cực trong bối cảnh ta đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Trước đó, ngày 2/8/2024, mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng Hoa Kỳ đã quyết định tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Trước quyết định của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.