Tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội theo đặc thù riêng của tỉnh hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế, giúp họ cải thiện cuộc sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh như: Hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 170.000 người, gồm người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi (thực hiện từ năm 2019), người thuộc hộ cận nghèo (thực hiện từ năm 2020); người khuyết tật chưa có thẻ bảo hiểm y tế (thực hiện từ năm 2020); người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình (thực hiện từ năm 2022) với tổng kinh phí trên 110 tỷ đồng/năm.
Tỉnh thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi, thực hiện từ năm 2020 với số lượng gần 10.000 người, tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng/năm; Chính sách nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, thực hiện từ năm 2021. Theo đó, hằng năm có gần 800 người được trợ cấp nuôi dưỡng với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng (cao hơn quy định chung của Chính phủ);
Chính sách nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho gần 2.000 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo và mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (thực hiện từ tháng 7/2023) với mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tháng từ 1.620.000 đồng đến 2.340.000 đồng/người/tháng, cao hơn mức chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí thu nhập giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ quy định.
Những chính sách riêng của tỉnh được thực hiện song hành cùng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên như: Hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế… đã giúp các hộ nghèo có điểm tựa để vươn lên. Do đó, công tác giảm nghèo đã đạt kết quả khả quan, bảo đảm tính bền vững.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo. Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TU ngày 21/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành lồng ghép các chương trình kinh tế, xã hội với chương trình giảm nghèo, huy động, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo. Các địa phương cần triển khai, thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo theo đúng quy trình, chính xác, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy định. Thực hiện đồng thời việc phân loại hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân, để đưa ra các giải pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp tình hình của địa phương giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.