Cửa biển Lạch Vạn là 1 trong 6 cửa lạch lớn nhất của tỉnh Nghệ An, đồng thời là tuyến đường thủy quan trọng để tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thành, Diễn Kim, Diễn Vạn… ra khơi, phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, tình trạng phù sa bồi lắng tại cửa biển Lạch Vạn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông ra, vào lạch.
Nguyên nhân được các ngư dân cho rằng là bởi lượng phù sa từ sông Bùng đẩy xuống theo chiều của gió mùa Đông Bắc thổi vào, tạo nên những doi cát có xu hướng ngày càng làm hẹp, “thắt cổ chai”, nắn dòng và biến dạng cửa lạch. Ngư dân Vũ Văn Năm (chủ tàu công suất hơn 270CV, ngụ xã Diễn Bích) cho biết, tình trạng này không phải mới, mà đã xảy ra khoảng 15 năm qua, quá trình bồi lắng diễn ra ngày càng nhanh, khiến cửa biển ngày càng hẹp, gây khó khăn cho các phương tiện ra, vào, đặc biệt những lúc thủy triều lên, xuống.
"Khi thủy triều lên hay xuống, việc ra vào lạch rất khó khăn, phải có kinh nghiệm, nắm rõ được lịch lên, xuống của thủy triều thì mới điều khiển được phương tiện ra khơi, cập bến an toàn; tránh được việc tàu thuyền mắc cạn dẫn đến nguy cơ hư hỏng", anh Năm chia sẻ.
Ngư dân Phạm Văn Tuấn (chủ tàu công suất 250CV, ngụ xã Diễn Bích) cho biết, việc cửa biển ngày càng hẹp và mực nước cạn khiến quá trình ra khơi hay cập bến gặp khó khăn, ảnh hưởng tới hoạt động đánh cá. "Với các tàu to, công suất lớn như tàu nhà tôi, thì việc ra, vào cửa lạch rất phức tạp, nếu không chú ý rất dễ xảy ra sự cố mắc cạn, làm chậm những chuyến ra khơi của các tàu khác", anh Tuấn nói.
Trước việc nhiều tàu thuyền liên tục bị mắc cạn do phù sa bồi lắng, thu hẹp cửa biển, cử tri đã một số lần kiến nghị với các cấp chính quyền cho nạo, hút cát để cửa biển Lạch Vạn rộng và sâu hơn, tạo điều kiện cho tàu ra, vào thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Liên (Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích) cho biết, hơn 10 năm gần đây, do tình trạng bồi lắng của phù sa nên cửa Lạch Vạn đang hẹp lại, nước cạn dần, nhiều tàu lớn của ngư dân địa phương phải neo đậu ở các lạch khác như Cửa Lò, Lạch Quèn, Lạch Thơi… Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế địa phương, nhất là những nơi thuần ngư, có thế mạnh về khai thác hải sản. "Khi tàu thuyền vào lạch thuận lợi thì việc tiêu thụ hải sản mới diễn ra nhanh, kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Khi tàu phải vào neo đậu ở vùng khác thì địa phương sẽ thất thu", ông Liên cho hay.
Ông Liên cho biết, hiện xã Diễn Bích có hơn 130 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó hơn 70 tàu công suất 90CV trở lên. Trung bình một năm có từ 4 - 6 tàu bị mắc cạn ngoài cửa biển Lạch Vạn. Nếu bị mắc cạn, chi phí sửa chữa khá lớn, từ 200 - 500 triệu đồng. Một số chủ tàu đã mất trắng vì sau khi mắc cạn, tàu không thể sửa chữa, sử dụng. "Cấp ủy, chính quyền xã Diễn Bích và các xã lân cận như Diễn Ngọc, Diễn Kim và UBND huyện Diễn Châu nhiều lần có ý kiến với UBND tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét, sớm nạo vét cửa biển, xây bờ kè chắn cát, chắn sóng để bảo đảm an toàn cho tàu cá ra, vào, không phụ thuộc vào thủy triều", ông Liên thông tin.
Được biết, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 4344 phê duyệt đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh đến 2030; dự kiến tổng kinh phí thực hiện gần 2.350 tỷ đồng.
Theo đó, đến 2030, sẽ xây dựng, nâng cấp hoàn thành 7 cảng cá với tổng năng lực bốc dỡ đạt 154.500 tấn/năm; 5 khu neo đậu tránh bão cho tàu cá. Bảy cảng được nâng cấp gồm: Lạch Cờn (TX Hoàng Mai), Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), Cửa Hội (TX Cửa Lò), Lạch Vạn (huyện Diễn Châu), Lạch Lò (TX Cửa Lò), Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), Lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu).
Đề án cũng đầu tư nạo vét các cửa biển và xây dựng kè chắn cát, chắn sóng để hạn chế cát bồi lắng nhằm bảo đảm an toàn tàu cá ra, vào, không phụ thuộc thủy triều.