Chiều ngày 5/1/2023, tại tỉnh Nam Định, Thành ủy, HĐND, UBND TP Nam Định đã tổ chức họp báo Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2023.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Đền Trần 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ hội có nhiều hoạt động như, ngày 1/2/2023, (tức ngày 11 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang Đền Trần; ngày 2/2/2023 (tức 12 tháng Giêng) diễn ra Lễ rước Nước, tế Cá tại Đền Cố Trạch; ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng) sẽ diễn ra các hoạt động dâng hương, rước Kiệu từ Đền Cố Trạch về Đền Thiên Trường. Từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức Khai Ấn.
Từ 5h ngày rằm tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương. |
Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55' cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày rằm tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Đền Trần, Chùa Tháp cho biết: Có hai nghi lễ được tái hiện một cách đầy đủ và sát với lịch sử là Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ và Lễ rước Nước, tế Cá. Theo đó, Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ là lễ rước chân linh đức Phật Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang Đền Trần để chứng minh cho nghi thức Khai Ấn.
Ban tổ chức dự tính lượng khách tăng mạnh nên sẽ có 5 vòng an ninh đảm bảo Lễ hội Khai ấn Đền Trần Quý Mão an toàn. Ảnh: Hoàng Khang |
Lễ rước Nước, tế Cá nhằm tri ân tổ nghiệp, phát huy tinh thần yêu nước, yêu nghề, cổ vũ lối sống gần với tự nhiên. Cá được tế xong sẽ phóng sinh tại sông Hồng, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần. Các nghi lễ này được phục dựng đúng nguyên bản. Cũng theo ông Nguyễn Đức Bình, theo nghiên cứu, còn một số nghi lễ và phần hội khác trong Lễ hội Đền Trần, rất mong sẽ có sự đầu tư, quan tâm phục dựng như múa Bài Bông và một số lễ hội khác.
Ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm, không gian lễ hội Đền Trần năm nay khác rất nhiều so với năm 2019 trở về trước, qua 3 năm không tổ chức, du khách cũng sẽ háo hức đi lễ hội, mong nhận được nhiều điều tốt lành trong năm mới. Đặc biệt, năm nay, không gian lễ hội được mở rộng, quang cảnh mở rộng, các ki ốt bán hàng được sắp xếp quy củ.
Theo bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định 2023, sau 3 năm không tổ chức, Lễ Khai Ấn năm nay diễn ra vào thứ 7 nên BTC dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Ngoài ra, ban tổ chức dự tính lượng khách tăng mạnh còn vì khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần vừa mở rộng khuôn viên 92,5ha với quang cảnh được đầu tư xây dựng gồm hai hồ nước, sân quảng trường, đường dạo ven hồ…
Khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần vừa mở rộng khuôn viên 92,5ha. Ảnh Lê Phú |
Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận Ấn. Lượng Ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu Xuân.
Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 4 tiểu ban: Nghi lễ, Tuyên truyền, An ninh trật tự, Hậu cần; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai Ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.
Ban tổ chức cũng duy trì hoạt động 16 camera tại khu vực đền Thiên Trường - nơi diễn ra lễ khai ấn, rước kiệu ấn nhằm giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định hoạt động lễ hội.
Về việc hiện nay có nhiều đền Trần ở các địa phương khác cùng phát ấn, ông Nguyễn Đức Bình thông tin, Lễ hội khai ấn đền Trần hồi đầu năm 2022 nhận được văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép và quy định tổ chức lễ hội khai ấn đầu xuân, chỉ đền Trần Nam Định mới được phép tổ chức lễ hội này. Ấn được phát ở nơi khác thì tên hiệu và ước nguyện tâm linh gửi vào lá ấn cũng khác.
"Một số đền Trần ở các địa phương khác, kể cả ở nơi khác ở Nam Định, tuy có thờ tự nhân vật nhà Trần, có phát ấn nhưng khả năng là ấn tên hiệu khác. Còn cả nước chỉ có ấn đền Trần Nam Định là có tên hiệu 'Trần Miếu tự điển - Tích phúc vô cương'", ông Bình khẳng định.
Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.