Chương trình Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổng đạo diễn; được sắp xếp công phu từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến dàn dựng; quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia, trình diễn.
Tại buổi lễ, bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được chú trọng với các nội dung: Nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới.
Các tiết mục, hình ảnh và làn điệu Bài Chòi đặc sắc của 9 tỉnh trong khu vực Trung bộ được trình diễn, giới thiệu trong chương trình.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: Từ năm 2012, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và sự thống nhất của 9 tỉnh, thành phố, tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Hồ sơ trình UNESCO. Ngày 7/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban đã chính thức ra Nghị quyết đưa Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là niềm vui to lớn đối với các tỉnh/thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cũng như nhân dân cả nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên ghi nhận: Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ nói riêng.
Tỉnh Bình Định đang xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm bảo tồn nghệ thuật đặc biệt này, trong đó đề cao việc tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản Bài Chòi cho thế hệ trẻ.