Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, những người bị thiệt mạng do mưa lũ gồm: chị Võ Sượt (sinh năm 1968, ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1973, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát), anh Phan Hồng Kiệt (sinh năm 1984, ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, huyện An Lão) và cháu Trần Thị Lệ Thủy, sinh năm 2001 (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
3 người bị thương gồm bà Hồ Thị Yến (sinh năm 1956), bà Trần Thị Chanh (sinh năm 1958 ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão) và anh Nguyễn Long (sinh năm 1984 ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn)
Nước lũ trên các sông tại Bình Định đang rút chậm. Đến sáng nay, 2/12, nhiều địa phương vẫn bị ngập và chia cắt do lũ. Mưa lũ đã gây thiệt hại 3.822 ngôi nhà; ngập 1.850 giếng nước; 8.146 ha lúa mới gieo sạ bị ngập.
Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng 730 ha cây hoa màu; 4 ha mặt nước nuôi tôm; 206 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá; trên 7 km và 3.800 m3 kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi; 1,4 km bờ suối và 12 cống tiêu thoát lũ bị sạt lở. Nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện Vĩnh Thanh, Hoài Ân, An Lão bị mưa lũ làm sạt lở đất với khối lượng trên 2.000 m3.
Đến trưa nay, 2/12, Quảng Ngãi ghi nhận 1 trường hợp bị mất tích là anh Nguyễn Đức Trọng (SN 1983, ở huyện Sơn Tịnh), bị nước cuốn trôi khi lội qua suối Nước Chạch, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. Mưa lũ cũng khiến gần 500 ha hoa màu, nhiều km đường, thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Hiện mực nước các sông Vệ, sông Trà Khúc đang xuống chậm. Riêng sông Trà Câu vẫn đang ở trên mức báo động 3 do ảnh hưởng của hồ thủy lợi Núi Ngang xả lũ điều tiết.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ nay đến ngày 3/12 ở các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (50-100mm). Đề phòng lũ trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, đặc biệt tại Quảng Ngãi, Bình Định. Các tỉnh bị thiệt hại tập trung cứu chữa người bị thương, tăng cường lực lượng tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết.
Tiếp tục rà soát những khu vực thâp trũng thường xuyên bị ngập, chia cắt, kịp thời sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các đoạn đường thường xuyên bị ngập, các ngầm, tràn, bến đò để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các tỉnh bị ảnh hưởng mưa, lũ sẵn sàng lực lượng giúp dân vệ sinh nhà ở, môi trường, khôi phục sản xuất khi lũ rút.
Tiếp tục cảnh báo tàu thuyền ở khu vực cửa sông tại các tỉnh Nam Trung Bộ và đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh do tác động của lũ và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, sẵn sàng lực lượng phương tiện kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.