3 năm liên tiếp, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc tiếp tục giảm trong năm 2022, trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Dữ liệu được Cơ quan Số liệu Hàn Quốc công bố ngày 22/2 cho thấy cứ 100 phụ nữ tại quốc gia Đông Á này thì chỉ có 78 trẻ em được sinh ra, giảm so với mức 81 trẻ được ghi nhận vào năm 2021. Bên cạnh đó, số trẻ em được sinh ra trong năm 2022 cũng giảm 4,4%, xuống còn 249.000 trẻ.

Chị Yoo Young Yi, 30 tuổi, thành phố Seoul, Hàn Quốc, bà ngoại chị có 6 con, đến mẹ chị chỉ có 2 con và đến chị thì chị thì không muốn có con. Chị cho biết: “Vợ chồng tôi thích trẻ con lắm, nhưng sẽ phải hy sinh nếu có con. Nên vấn đề là phải chọn, và chúng tôi đã thống nhất là tập trung vào bản thân chúng tôi hơn”. Hiện nay ở Hàn Quốc, nhiều người đồng quan điểm với chị Yoo, chọn lối sống không có con.

Theo Nikkei Asia, ở mức 0,78, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của các thành viên trong OECD. Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt có tỷ lệ sinh là 1,3 và 1,18. Một quốc gia phải đạt tỷ lệ sinh 2,1, được gọi là “mức sinh thay thế”, để đảm bảo dân số tăng trưởng ổn định. Như vậy, Hàn Quốc đã năm thứ ba liên tiếp có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh của Hàn Quốc trong 3 thập kỷ qua đã đặt áp lực lên hệ thống hưu trí của quốc gia này. Ngoài ra, Cơ quan Số liệu Hàn Quốc cho biết số lượng các cuộc hôn nhân mới trong năm 2022 cũng giảm xuống còn 191.697, mức thấp nhất từng được ghi nhận.

“Sự sụt giảm số lượng các cuộc hôn nhân có thể đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh. Theo dự đoán dân số tương lai vào năm 2020, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 0,7 trong năm 2024 trước khi tăng trở lại”, Lim Young Il, một lãnh đạo tại Cơ quan Số liệu Hàn Quốc cho biết.

Đây thực ra không phải là vấn đề của riêng Hàn Quốc mà ngay cả những quốc gia có dân số trẻ cũng có dự báo sẽ rơi vào tình trạng trở thành quốc gia có dân số già. Xét từ góc độ xã hội có những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, tại Hàn Quốc chủ nghĩa tự do cá nhân ngày càng trở nên rõ nét. Tuy dân số là chủ đề mang tính xã hội, duy trì sự phát triển xã hội bền vững, nhưng việc sinh con cái là quyết định mang tính cá nhân. Hơn thế nữa, giới trẻ họ không coi đó là trách nhiệm mang tính xã hội. Vì vậy, giới trẻ Hàn Quốc khi kết hôn với nhau có con hay không có con là điều không quan trọng, mà điều quan trọng là cuộc sống của chính họ có thoải mái theo cách nghĩ của họ hay không.

Hơn nữa, nhiều người trẻ Hàn Quốc nêu lý do tương lai bất trắc khiến họ không muốn có con. Tương lai bất trắc theo họ thể hiện ở thị trường việc làm ảm đạm, giá nhà cao trong khi chi phí nuôi con quá cao. Phụ nữ Hàn Quốc thì còn nêu lý do bất bình đẳng nam nữ khiến họ phải chịu trách nhiệm chăm con nhiều hơn chồng, trong khi ở nơi làm việc lại bị phân biệt đối xử. “Hồi còn học đại học, tôi cũng muốn sau này có con đấy, nhưng khi đi làm, tôi thấy đồng nghiệp nữ phải tập trung nhiều cho việc chăm con… chẳng bao giờ thấy đồng nghiệp nam về sớm vì con ốm. Tôi nhận thấy tôi sẽ không thể tập trung cho công việc nếu có con”, chị Yoo Young Yi nói.

Thứ hai, tỷ lệ sinh thấp phải được nhìn nhận dưới góc độ “hệ quả” chứ không phải là “vấn đề”. Trong cơ cấu xã hội Hàn Quốc, người dân bị bất an về vấn đề tuyển dụng, nhà ở, khó cân bằng công việc và nuôi dạy con cái. Chính điều này khiến tầng lớp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn khi kết hôn và sinh con, dẫn tới họ coi việc kết hôn và sinh con không còn là điều thiết yếu nữa.

Thứ ba, tỷ lệ người già ngày càng tăng. Xét theo địa phương, từ 5 năm trước, Hàn Quốc có 6 địa phương đã bước vào “xã hội siêu già” nghĩa là những địa phương này có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã vượt hơn 20%.

Trước bối cảnh này, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang cố gắng khuyến khích các cặp đôi tại Hàn Quốc sinh con bằng cách hỗ trợ 540 USD mỗi tháng cho những gia đình có trẻ dưới một tuổi. Số tiền này sẽ được tăng lên 767 USD kể từ năm 2024. Ngoài ra, chính phủ của ông Yoon cũng đang cố gắng tìm ra những phương án khác để tăng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc.

Hồi tháng 1, Na Kyung Won, người đứng đầu Ủy ban Già hóa Xã hội và Chính sách Dân số của Tổng thống Yoon đã đề xuất sáng kiến xóa nợ cho các gia đình có từ 3 con trở lên, học tập theo mô hình được áp dụng tại Hungary. Đề xuất trên đã bị ông Yoon bác bỏ.

Trong vòng 16 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã tiêu tốn 280.000 tỷ won (196,2 tỷ USD) để giải quyết vấn đề dân số, trong đó tích cực xây dựng xã hội lành mạnh cho trẻ em. Theo kết quả khảo sát về điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em tại 39 nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc xếp thứ 32 trong số 39 quốc gia khảo sát về mức độ lành mạnh của môi trường sống cho trẻ em. Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha lần lượt chiếm ba vị trí đầu trong bảng xếp hạng. Nhật Bản đứng thứ 13 và Mỹ tụt xuống thứ 37.

Ngoài ra, Hàn Quốc hướng tới xây dựng xã hội bền vững, mọi thế hệ đều hạnh phúc. Theo đó, trẻ em trở thành đối tượng được hưởng quyền lợi chính từ các đối sách hỗ trợ, còn người già thì được đảm bảo sống thoải mái bằng cách có việc làm cho lương hưu cơ bản tăng, được hưởng dịch vụ y tế chăm sóc tận nơi cho người cao tuổi...

Tuy nhiên, Hàn Quốc chưa thể cải thiện được tình hình dân số già hóa mặc dù đã nhận diện được nguy cơ và thực hiện tích cực các biện pháp như trên. Sự thay đổi đã không phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách ưu việt từ chính phủ, mà nó phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của giới trẻ liên quan đến việc sinh sản, duy trì nòi giống và sự phát triển của xã hội. Có lẽ cùng với việc tăng cường giáo dục, thì Hàn Quốc cũng cần có thời gian để thế hệ trẻ hiểu thấu đáo hơn về tầm quan trọng của sinh sản, từ đó mới có thể thay đổi tình trạng hiện nay về dân số.

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.