3 năm, 4 lần xét xử vụ trai làng “đại chiến”

3 thanh niên bị truy tố về tội cố ý gây thương tích
3 thanh niên bị truy tố về tội cố ý gây thương tích
(PLO) -Bị cáo Bi khai mình không tham gia đánh nhau. Vì ngăn các bạn đừng đi đánh nhau không được nên vẫn tiếp tục đi theo sau để ngăn cản, nhưng lại bị khép vào tội đồng phạm trong vụ án “cố ý gây thương tích” là rất oan. 

Vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích”. Bị hại (đã chết) trong vụ án là Nguyễn Văn Chúc. Còn ba bị cáo là Hồ Sỹ Chang Cát (SN 1994), Hồ Thanh Sơn (SN 1996) và Lê Hồng Bi (SN 1999, đều ngụ xã Hương Sơn, huyện Nam Đông). Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Cát 8 năm 3 tháng tù giam; bị cáo Sơn 6 năm tù giam; bị cáo Bi 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Trai làng đại chiến

Vụ án diễn ra vào khoảng 9h30 tối ngày 9/6/2014. Lúc đó, nhóm thanh niên xã Hương Sơn trong đó có Sơn, Cát, Bi đi chơi, gặp nhóm thanh niên xã Thượng Long. Do có mâu thuẫn từ trươc nên khi thấy Cát chạy xe đến, nhóm kia chặn xe máy lại, tấn công khiến Cát ngã xuống đường. Nhóm Cát “phản công”, nhóm “đối thủ” bỏ chạy, một người chạy về nhà Nguyễn Văn Chúc, nói bị thanh niên Hương Sơn đánh. Nghe vậy Chúc và một người bạn chạy lên.  

Trở lại với nhóm bị tấn công, vì bị đánh ngã lăn ra đất, nên Cát vẫn còn tức giận, nói với đám bạn “đi tìm mấy thằng kia đánh” rồi nhổ một cái đùi gỗ ở hàng rào bên đường. Sơn cũng trang bị một dùi gỗ. Bi đi theo.

Khi Chúc và bạn từ nhà Chúc ra đến đường thì gặp Sơn, Cát và Bi. Chúc đi trước gặp Cát rồi dùng tay túm tóc và dùng đùi tre đánh Cát nhưng Cát cúi xuống tránh được đồng thời dùng tay đánh lại. Khi Chúc và Cát đánh nhau thì Sơn dùng đùi tre đánh vào đỉnh đầu làm Chúc ngã gục xuống đường. Sau đó Sơn, Cát, Bi bỏ chạy. Riêng Chúc sau đó được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện TW Huế, nhưng sáng hôm sau thì qua đời do chấn thương sọ não

Tháng 7/2015, TAND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Phiên tòa kéo dài suốt 2 ngày mới tuyên án. Ba bị cáo bị tuyên phạm vào tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người. Tòa phạt bị cáo Cát 8 năm tù, bị cáo Sơn 7 năm tù, bị cáo Bi 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, cho rằng vụ án thiếu những chứng cứ quan trọng, chưa làm sáng tỏ, nên 1 năm sau TAND huyện Nam Đông tiếp tục mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm vào tháng 6/2016. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 này, HĐXX cho rằng vụ án còn nhiều điểm chưa được điều tra làm rõ về chứng cứ; cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa, nên HĐXX hội ý và đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án để VKSND huyện Nam Đông điều tra bổ sung.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3, tòa đã tuyên phạt bị cáo Cát 8 năm 3 tháng tù giam. Bị cáo Sơn 6 năm tù giam. Bị cáo Bi 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Cả ba bị cáo phải liên đới bồi thường 130 triệu đồng cho gia đình bị hại. Bị cáo Cát và bị cáo Sơn phải cấp dưỡng cho hai con của bị hại mỗi người 1 triệu đồng/1 tháng cho đến khi 2 bé đủ 18 tuổi.

Sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3, cả 3 bị cáo đều có đơn kháng cáo. Bị cáo Bi kháng cáo kêu oan. Bị cáo Sơn và bị cáo Cát kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử vào ngày 7/9. Sáng hôm ấy, trời mưa lâm râm, nhưng khán phòng vẫn chật ních người. Gia đình cả ba bị cáo lặn lội từ miền núi Nam Đông về trung tâm thành phố dự khán.

Để đến phiên tòa, có người phải chạy xe máy từ sáng sớm. Có người phải đi bộ ra trung tâm huyện để bắt chuyến xe buýt sớm nhất để về thành phố. Mỗi lần đi, một lần khó, nhưng cuối cùng, phiên tòa đành phải hoản sau khi đợi mãi vẫn không thấy mặt người phiên dịch tiếng Cơ Tu đến tham dự theo yêu cầu của tòa (cả ba bị cáo đều là người dân tộc Cơ Tu). 

Mẹ bị cáo Bi xách theo xuống phố một bọc lớn quả thanh trà để gửi vào trại cho Sơn và Cát, nhưng cuối cùng không gửi vào được, đành ảo não ngồi nơi sân tòa tặng mỗi người dự khán mỗi quả. Bà bảo chẳng có gì để gửi vào trại, nên quả hái quả trong vườn nhà. Đã mất công vác về phố, giờ cũng ngại xách lại về quê, nên đành tặng luôn cho mọi người. 

Thế nào là “giúp sức về mặt tinh thần”?

Phải đến cuối tháng 9, phiên tòa phúc thẩm mới được TAND tỉnh mở lại. Lần này, phiên tòa được xét xử lưu động tại Nam Đông. Bị cáo Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án. Bị cáo Cát có kháng cáo xin giảm nhẹ mức án nhưng quá hạn nên không được xem xét. Bị cáo Bi kháng cáo kêu oan, mình không phải là đồng phạm, yêu cầu tòa xử vô tội.

Bị cáo Bi là người nhỏ tuổi nhất trong 3 bị cáo. Lúc sự việc diễn ra, Bi chỉ mới 15 tuổi 4 tháng. Bi khai hôm đó khi Cát rủ mọi người đi tìm người đánh, Bi có ngăn cản, nhưng không ai nghe theo. Thấy mọi người đi, nên Bi cũng đi theo, mục đích để ngăn cản. Khi xảy ra đánh nhau, do bất ngờ, lại hoảng sợ, nên có ý muốn ngăn cản mọi người ẩu đã, nhưng vì hoảng sợ nên đứng chôn chân một chỗ, miệng há ra mà cũng không la được tiếng nào. Đến khi thấy mọi người bỏ chạy, Bi mới hoảng hốt chạy theo. 

Bị cáo Cát rủ mọi người đi tìm nhóm thanh niên xã Thượng Long, trong nhóm này không có anh Chúc. Nhưng khi anh Chúc vừa thấy Cát liền xông vào đánh trước. Cát, Sơn “phản công”. Bi hoàn toàn không tiếp nhận ý thức của Cát là đi đánh anh Chúc.

Theo HĐXX, sau khi Cát nói “đi tìm mấy thằng kia đánh” thì Bi đã nghe rõ nhưng Bi không có ý kiến gì và đi theo. Mặc dù lời nói của Cát không rủ rê nhưng kích động tinh thần, đưa ra thông tin cho đồng bọn biết. Khi Sơn, Bi đi thì Cát không phản đối chứng tỏ Bi đã tiếp thu ý chí của Cát. Lúc hai bên đánh nhau, Bi nhìn thấy nhưng không can ngăn. Sau khi Cát và Sơn bỏ chạy, Bi mới bỏ chạy theo. Việc Cát và Sơn không biết Bi đã đi theo mình nhưng thực tế cả hai vẫn biết có nhóm bạn đi theo sau.

Nhưng vì đêm tối nên không thấy rõ Bi. Bi cũng thừa nhận đã đi theo Cát và Sơn cho đến khi kết thúc sự việc mới bỏ chạy. Hơn nữa, sau khi Cát bị đánh ngã thì được Sơn, Bi… đến hỏi thăm và đỡ dậy, lúc này Cát mới nảy sinh ý định đi đánh trả thù. Do đó, tòa cho rằng Bi là đồng phạm trong vai trò giúp sức về mặt tinh thần.

Mẹ bị cáo Bi đến tòa với tâm trạng phức tạp. Với tình yêu của người mẹ dành cho con, bà tin tưởng con mình không phạm tội. Nhà nghèo, nên Bi mới học xong lớp 5 thì nghỉ, ở nhà phụ gia đình làm nương làm rẫy. Mùa này, bà thường cùng con trai lặn lội ra suối bắt ốc từ 3 giờ sáng. Nhưng hôm nay tòa mở, hai mẹ con phải nghỉ việc đến dự khán. Bà bảo, dù con trai được án treo, không phải “đi ở tù”, nhưng nếu con trai được trắng án thì tốt, sau này không phải đeo một cái án trên lưng, lý lịch cũng xấu đi ít nhiều.

Tuy nhiên, trái với niềm mong mõi của các bị cáo và người thân, tòa phúc thẩm tuyên y án. Theo đó, Cát bị phạt 8 năm 3 tháng tù giam; bị cáo Sơn 6 năm tù giam; bị cáo Bi 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Cha bị hại cho biết, từ ngày con trai mất, đến nay đã 3 năm, nhưng nỗi đâu mất con đến bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Vợ ông thường hay ốm đau, sức khỏe vốn đã mỏng manh như sợi chỉ, sau khi con trai ra đi đột ngột thì sức khỏe càng thêm yếu ớt, ốm đau ngày càng thêm nặng. Căn nhà nhỏ ngày xưa ấm áp là thế, giờ cũng mất hết tiếng cười.

Bị hại Chúc có hai con nhỏ, một đứa sinh năm 2011, một đứa sinh năm 2014. Khi Chúc gặp nạn đến nỗi vong mạng, vợ Chúc mới sinh đứa con thứ hai mới được mấy ngày. Ôm đứa con còn đỏ hỏn trên tay, lại nhìn di ảnh chồng nghi ngút khói hương, vợ Chúc cho hay khi Chúc còn sống, anh rất chăm chỉ làm ăn. Hết ra đồng ra ruộng thì lên rẫy lên nương.

Hết việc đồng án thì Chúc đi làm thuê, kiếm thêm tiền mang về cho vợ nuôi con. Sau ngày chồng mất, vợ Chúc mất luôn cây cột chống nhà, ba mẹ con mất đi chỗ dựa dẫm, nương nhờ. Con còn nhỏ dại chẳng thể đi làm, chị phải nương nhờ cha mẹ hai bên gia đình, sống cầm cự qua ngày. Thế mà số tiền bồi thường tòa tuyên, các gia đình bị cáo vẫn chưa bồi thường hết.

Đọc thêm

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam
(PLVN) -Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Bí thư Bến Tre cùng hàng loạt cựu quan chức thuộc Bộ Công thương chuẩn bị hầu tòa

Ông Lê Đức Thọ khi còn đương chức (Ảnh Internet)
(PLVN) - Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định đưa vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức’’ ra xét xử vào ngày 20/11 đối với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ cùng 14 bị cáo là cựu quan chức của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM…