Trong vòng ba năm để hoàn tất việc thoái vốn tổng cộng 22.590 tỉ đồng là một điều không dễ. Nhất là tình trạng đầu tư ngoài ngành chủ yếu nằm ở các lãnh vực nhiều rủi ro.
EVNTelecom - “Ký ức dằn vặt” của Tập đoàn Điện lực. |
Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp (DN) Trung ương, chỉ tính riêng 21/31 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, con số đầu tư ra ngoài ngành đã lên tới 22.590 tỉ đồng, trong đó có 6 DN đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Báo cáo này cũng cho thấy, có 13 DN “rót” tiền vào các lĩnh vực được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro, gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số vốn lên tới hơn 10.700 tỉ đồng; 13 DN khác đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng số vốn 1.300 tỉ đồng; 8 DN đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp với tổng vốn hơn 3.754 tỉ đồng...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được cho là đứng đầu danh sách danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành. Số vốn PVN “bơm” ra ngoài lên tới 6.690 tỉ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện cũng chưa kịp thoái vốn tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành với số vốn lên đến 2.100 tỉ đồng, chiếm 3% vốn điều lệ. Trong khi, “nhà đèn” vẫn đang gánh khoản lỗ 10.000 tỷ đồng - lớn nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho hay, công cuộc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang thực hiện theo hướng: tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ kinh doanh ngành nghề chính và những ngành nghề có liên quan phục vụ trực tiếp cho phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành chính.
Đối với những ngành kinh doanh không liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015.
Việc thoái vốn, theo ông Muôn, được tiến thành theo hướng: Bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân, ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội b; chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp.
Việc chuyển vốn có thể thực hiện thông qua hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển nhượng vốn. Chuyển toàn bộ DN do tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang cho tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của DN chuyển giao.
Đối với những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác, cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Tuy nhiên, từ giác độ người trong cuộc, một số tập đoàn, tổng công ty cho hay họ ở vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: có muốn thoái vốn cũng không xong vì thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản thì đóng băng.
“Trong vòng ba năm để hoàn tất việc thoái vốn tổng cộng 22.590 tỉ đồng là một điều không dễ. Nhất là tình trạng đầu tư ngoài ngành chủ yếu nằm ở các lãnh vực nhiều rủi ro” – một chuyên gia đồng cảm. Theo vị này, việc thoái vốn cần có một lộ trình thích hợp, không thể nôn nóng, áp đặt.
Mai Hoa