Phan Sào Nam (sinh năm 1979), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975), nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC (gọi tắt là Công ty CNC). Nam và Dương được xem là nhân vật “đầu não” của đường dây đánh bạc trái phép được hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đường dây đánh bạc này.
Bị cáo Phan Sào Nam (sinh năm 1979), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC Online). |
Năm 2011, Nguyễn Văn Dương là người sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư UDIC, được Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát giới thiệu gặp Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, để bàn việc thành lập bình phong cho Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Sau khi thống nhất, Nguyễn Văn Dương sáng lập thêm Công ty CNC với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó, Dương góp 90% và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Sau khi Công ty CNC thành lập, được Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện hoạt động, chỉ đạo ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam phát triển sòng bạc trực tuyến Rikvip. Sau khi ký hợp đồng, Dương yêu cầu nhân viên thuê tên miền, quảng bá thương hiệu, xây dựng các cổng thanh toán trực tuyến.
Lời đồn "có thế lực ngầm bảo kê" như "bùa hộ mệnh", cựu tướng Hóa, rồi cựu tướng Vĩnh để mạng lưới tổ chức đánh bạc phát triển như "vòi bạch tuộc": 25 đại lý cấp 1; 5.877 đại lý cấp 2 tham gia mua bán Rik (tiền đánh bạc trong hệ thống).
Bị cáo Vũ Văn Dũng ở Gia Bình, Bắc Ninh là đại lý lớn nhất trong tổ chức đánh bạc công nghệ cao, với 1.100 đại lý cấp 2 bên dưới, mua bán số Rik trị giá gần 4.000 tỷ đồng.
Dũng khai rằng, được Hoàng Thành Trung (bỏ trốn) tiết lộ: "Cứ yên tâm vì có thế lực lớn ở trên bảo kê" nên Dũng yên tâm phát triển đại lý cấp 2.
Qua lời khai của các bị cáo thuộc nhóm đại lý cấp 2 và các bị cáo nhóm tội đánh bạc, thì số tiền "đỏ đen" đều chui về túi của hai trùm: Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Tiền chơi của các con bạc dồn về túi đại lý cấp 2 "chút đỉnh", cấp 1 "tươm hơn"...
Người được hưởng lợi khủng nhất: Nguyễn Văn Dương: hơn 1.600 tỷ, Phan Sào Nam: hơn 1.400 tỷ.
Thu khoản tiền bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam đã chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản. Phan Sào Nam đã chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền cho dì ruột là bà Phan Thu Hương (sinh năm 1961, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) hơn 236 tỷ đồng. Bà Hương sử dụng tiền mua mảnh đất gần 1.000 m2 tại quận 7, TPHCM.
Tiếp đó, Phan Sào Nam chỉ đạo Ðỗ Bích Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech...
Ngoài ra, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore, gửi một người bạn ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng; nhờ một người ở TP HCM gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có giá trị hợp đồng gần 112 tỷ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỷ đồng. Còn hơn 530 tỷ đồng Nam chuyển cho một số người khác cất giữ.
Đến nay cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền hơn 850 tỷ đồng, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139 tỷ đồng, tạm giữ 5 xe ô-tô các loại...
Bị cáo Nguyễn Văn Dương là người sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư UDIC. |
Còn Nguyễn Văn Dương, để hợp thức hóa hàng nghìn tỷ tiền lời bất chính từ tổ chức đánh bạc qua mạng, Dương lập các công ty "ma" để quay vòng tiền, nâng khống vốn và đầu tư vào dự án BOT và lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC. Ban đầu, Dương nhờ người thân đứng tên lập ba công ty để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỷ đồng.
Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỷ vào tài khoản anh ta, rồi chuyển tiền vào Công ty UDIC và tiếp tục chuyển cho ba công ty trên. Cuối cùng, ba công ty rút tiền, chuyển vào tài khoản của Dương để bị cáo này tiếp tục quay vòng tiền.
Trong hai năm, vốn điều lệ của UDIC thể hiện tăng 1.400 tỷ nhưng thực tế không tăng đồng nào. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỷ đồng vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuy nhiên, Dương chỉ góp 23 tỷ trên thực tế, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào Công ty UDIC mà có. Năm 2017, Dương bán cổ phần công ty UDIC để lấy tiền gửi tiết kiệm và mua bất động sản.