“Phò mã” Nhà Trắng bị “siết chặt” tầm ảnh hưởng

Ông Jared Kushner (trái) và ông Donald Trump trong một cuộc họp ở Nhà Trắng
Ông Jared Kushner (trái) và ông Donald Trump trong một cuộc họp ở Nhà Trắng
(PLO) - Từ vị trí được cho là “muốn làm gì thì làm” tại Nhà Trắng, thời gian gần đây, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn xuất hiện nhiều bên cạnh cha vợ. Ông ta được cho là đang lâm vào thế mắc kẹt trong cuộc tranh đua quyền lực ở hậu trường của nước Mỹ.

Có luật cấm “gia đình trị”

Ngày 9/1/2017, ít ngày trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump thông báo sẽ bổ nhiệm ông Jared Kushner làm cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về thương mại và Trung Đông. 

Điều đáng nói, ông Kushner (SN 1981) chính là con rể của ông Trump. Tuy nhiên, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump khẳng định việc ông Kushner tiếp nhận vị trí cố vấn tổng thống không vi phạm luật chống gia đình trị ở Mỹ. 

Luật sư của ông Kushner cũng khẳng định luật năm 1967 cấm các quan chức chính phủ bổ nhiệm các thành viên trong gia đình vào nội các không áp dụng đối với Văn phòng Tổng thống nên con rể ông Trump hoàn toàn có thể đảm nhận nhiệm vụ. Vị trí của ông Kushner không cần sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ và cũng không được trả lương. 

Kể từ sau tuyên bố trên, nhiều người chú ý tới người con rể thường xuyên sát cánh bên ông Trump. Theo các thông tin được báo chí Mỹ đăng tải, ông Kushner là con của ông Charles Charlie Kushner – người sáng lập Tập đoàn bất động sản Kushner Companies. Tập đoàn này trở nên nổi tiếng vào năm 2007 khi mua tòa nhà 666 Fifth Avenuev với giá 1,8 tỉ USD – mức giá kỷ lục đối với một tòa nhà lúc bấy giờ. 

Trong cuốn sách “Cái giá để được nhận vào học: Làm thế nào giai cấp cầm quyền ở Mỹ mua được đường vào những trường đại học danh tiếng”, tác giả Daniel Golden cho rằng dù điểm số học tập thấp nhưng con rể của tổng thống vẫn được nhận vào trường đại học Harvard nhờ cha của anh ta đã hào phóng quyên tặng cho trường đến 2,5 triệu USD. Vẫn theo tác giả này, ngoài Harvard, cha của Kushner cũng đã từng tặng tiền cho các trường Cornell và Princeton.

Năm 27 tuổi, Kushner chính thức tiếp quản cơ nghiệp của cha sau khi ông Charles Charlie bị tống giam vì tội trốn thuế và gây quỹ bất hợp pháp. Trong thời gian Kushner lãnh đạo, Kushner Companies đã phát triển khá nhanh và tăng đáng kể sự hiện diện trên thị trường bất động sản New York. 

Ngoài ra, ông này còn là người đồng sáng lập kiêm chủ sở hữu của sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Cadre, có giao dịch với nhiều tổ chức, cá nhân tiếng tăm. Ngoài việc kinh doanh bất động sản, trước khi trở thành cố vấn của ông Trump, ông Kushner cũng là giám đốc điều hành của tờ Observer.

Tờ báo này được ông ta mua với giá 10 triệu USD vào năm 2006. Số tiền này – theo Kushner là do ông ta tự kiếm được trong thời gian học đại học. Dù nắm trong tay một tờ báo nhưng Kushner lại không mấy thích báo chí. Trong thời gian ông ta nắm quyền điều hành, Observer đã thay đến 7 đời tổng biên tập, trong đó người từng giữ vị trí chủ biên tờ báo này suốt 15 năm là Peter Kaplan đã từ chức chỉ sau 3 năm từ khi tờ báo đổi chủ.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump, ông Kushner đã giúp phát triển và điều hành chiến lược truyền thông kỹ thuật số – một trong những yếu tố được cho là góp phần đưa đến chiến thắng cho ông Trump. 

Theo một số nguồn tin, dù không có kinh nghiệm chính trường nhưng Kushner rất được cha vợ tín nhiệm. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn hỏi ý kiến của Kushner. Chính con rể là người đã giúp ông Trump tìm giám đốc truyền thông, gặp gỡ các quan chức cấp cao và tư vấn về lựa chọn Phó Tổng thống, đứng ra dàn xếp một số lùm xùm mà ông Trump vướng phải.

“Cứ làm những việc anh muốn”

Ngay sau khi được đề cử vào vị trí mới, ông Kushner đã chấp nhận từ chức tại Kushner Companies và tờ New York Observer. Trong tuyên bố về việc lựa chọn của mình, ông Trump gọi ông Kushner là một tài sản quý giá, một cố vấn đáng tin cậy trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như chuyển giao quyền lực của ông. Tại thời điểm đó, ông Kushner trở thành thành viên cấp cao trẻ nhất trong chính phủ của ông Trump.

Theo tờ New York Times, tại một cuộc họp của các nhân viên cao cấp trong những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump, Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là ông Reince Priebus đã hỏi Kushner rằng Văn phòng Cải tiến Mỹ mà ông ta vừa thành lập sẽ làm gì? 

Ông Jared Kushner và vợ - con gái ông Trump
Ông Jared Kushner và vợ - con gái ông Trump

Chàng con rể của tổng thống lạnh lùng “vặc” lại: “Ông quan tâm làm cái gì?”, Chánh văn phòng Nhà Trắng thất vọng trả lời: “Được rồi! Cứ làm bất cứ điều gì mà anh muốn” rồi lui bước. 

Theo New York Times, trong những ngày đầu ông Trump mới lên nắm quyền, có rất ít người ở Nhà Trắng dám “thách thức” Kushner hay đưa ra những góp ý về mặt định hướng của Nhà Trắng khi con rể của Tổng thống đã cho là anh ta đang làm đúng. 

Trong thời gian đó, Kushner xuất hiện cạnh tổng thống trong hầu hết mọi cuộc họp và luôn hiện diện trong những tấm ảnh chụp ông Trump. Ông ta được xem là một trong những người có ảnh hưởng nhất lên tổng thống.

Ngoài việc phụ trách chiến lược với Trung Đông, Kushner còn được nhiều người cho là đóng vai trò trung gian giữa tổng thống Mỹ với chính phủ Mexico, Trung Quốc và thế giới Ả rập. 

Dù trên danh nghĩa chỉ giữ một vị trí không được trả lương trong chính quyền nhưng truyền thông Mỹ đã đặt cho Kushner biệt danh “Bộ trưởng mọi vấn đề”. Ông ta cũng được xem là đôi tai của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, giai đoạn “muốn làm gì thì làm” của Kushner đã chấm dứt. Ông ta gần như biến mất khỏi các sự kiện công khai. Bên cạnh đó, dù vẫn đảm nhiệm công việc xây dựng chính sách để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhưng những nhân chứng khẳng định Kushner không còn là người có quyền lực “vô biên” trong Nhà Trắng nữa.

Khởi nguồn của việc này, theo New York Times, là việc Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly khi lên nắm chức vụ này hồi tháng 7/2017 đã quyết định lập lại trật tự ở Nhà Trắng. Ông Kelly yêu cầu Kushner phải làm việc theo thứ bậc. 

Có nguồn tin lúc đó cho biết ông Kelly thậm chí đã nói về khả năng ông Kushner và vợ, tức con gái Ivanka của tổng thống phải rời khỏi Nhà Trắng vào cuối năm 2017 nhưng việc này đã không xảy ra. 

Thêm vào các lý do khiến ông Kushner không còn có tiếng nói nhiều như trước, theo một số nguồn tin, còn là do ông Trump không còn phụ thuộc vào con rể nhiều như khi mới lên nắm quyền.

Rắc rối bủa vây

Trong số những rắc rối mà Kushner phải đối mặt có việc ông ta từng nhiều lần bị đưa vào tầm ngắm của công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller hiện đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra hồi năm 2016. 

Hồi tháng 7 năm ngoái, Kushner cũng đã tự nguyện ra điều trần trước Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ - cơ quan cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của nước này bên cạnh cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt. 

Trước khi ra điều trần, ông này cũng đã công bố tài liệu về những cuộc tiếp xúc giữa ông với các giới chức Nga trong thời gian vận động tranh cử và thời gian chuyển quyền sang chính phủ mới. Tại thời điểm đó, Kushner vẫn khẳng định không thông đồng với Nga trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong năm 2016. 

Đến cuối tháng 2 vừa qua, trong một diễn biến khiến nhiều người bất ngờ, các nguồn tin xác nhận ông Kelly đã hạ mức độ tiếp cận các tài liệu tuyệt mật đối với Kushner. 

Việc hạ mức độ tiếp cận tài liệu mật này được tiến hành sau khi tờ Washington Post đưa tin giới chức 4 nước là Trung Quốc, Israel, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Mexico đã thảo luận về cách thức lợi dụng sử dụng sự thiếu kinh nghiệm, những rắc rối về tài chính và các mối liên hệ kinh doanh phức tạp của ông Kushner để thao túng ông ta.

Reuters cho rằng, những diễn biến nói trên đã dấy lên những nghi ngờ về vai trò của Kushner trong chính quyền trong thời gian tới. Bởi, với việc bị hạ mức độ tiếp cận tài liệu, ông ta sẽ không thể được xem Báo cáo Hàng ngày của Tổng thống (PDB) - báo cáo tình báo có giá trị nhất và được canh giữ cẩn mật nhất của Mỹ, được cộng đồng tình báo Mỹ chuẩn bị cho Tổng thống mà chỉ có thể xem được những thông tin ít mật hơn. 

Trong bối cảnh không được tiếp cận các thông tin tình báo mới nhất về các đối tác đối thoại hay các nước quan trọng trong khu vực như Iran, Kushner khó có thể đảm nhiệm được việc đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Trung Đông hay liên lạc với các nước Vùng Vịn. 

Bên cạnh đó, ông ta cũng sẽ không thể dự các cuộc họp mật ở Nhà Trắng hay khiến các quan chức tình báo và những người phụ trách chính sách đối ngoại phải tránh những chủ đề nhạy cảm nhất tại các cuộc họp mà ông này có mặt cùng với tổng thống. 

Thời gian tới, nếu không được FBI cấp quyền tiếp cận tài liệu mật vĩnh viễn hoặc được Tổng thống cấp quyền miễn trừ, vai trò nhân viên Nhà Trắng của Kushner sẽ khó có thể được đảm bảo. Và như vậy, việc ông này rời Nhà Trắng là điều có thể xảy ra.

Đọc thêm

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.

Tấn công khủng bố kinh hoàng đầu năm mới tại Mỹ

Hiện trường vụ đâm xe. (Ảnh: NBC News)
(PLVN) - Một vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại Bourbon Street, khu phố Pháp nổi tiếng của New Orleans vào ngày đầu năm mới. Một người đàn ông đã lái xe tải lao thẳng vào đám đông, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Vụ việc đang được điều tra như một hành động khủng bố, gây chấn động cả nước Mỹ.