Trong một lớp học đổ nát ở phía Nam Pakistan, cô bé Bushra phải rất chật vật để giữ kỷ luật trong khi hàng chục bé gái đang chạy quanh và hò hét. Vì lớp học không có giáo viên trong suốt 8 tháng qua nên cô bé 10 tuổi buộc phải can thiệp. “Cháu dạy các bạn những bài học từ Kinh Koran, tiếng Sindhi, dạy các bạn đếm 1, 2 và dạy bảng chữ cái A-B-C-D”, Bushra cho biết.
Cô bé Bushra đang đứng lớp. Ảnh: Internet |
Bushra nói rằng cô bé mơ ước trở thành một bác sỹ và học về máy tính. Tuy nhiên, ước muốn học tập của Bushra có nguy cơ bị nhấn chìm sau khi giáo viên của bé bỏ lớp. Giới chức giáo dục địa phương không chỉ định giáo viên mới, khiến Bushra trở thành một học sinh điển hình tại một trong khoảng 7.000 ngôi trường được gọi là những “trường học ma” ở Pakistan. Sở dĩ gọi là “trường học ma” vì tại những ngôi trường này không có một lớp nào có giáo viên chính thức giảng dạy.
Những học sinh bị bỏ rơi như Bushra là một phần trong cuộc khủng hoảng giáo dục đang ngày càng gia tăng ở Pakistan, nơi mà theo thống kê của Liên Hợp quốc có đến hơn 5 triệu trẻ em không được học cấp tiểu học.
“Giáo viên cuối cùng nói với chúng tôi rằng cô ấy sẽ không đến nữa nếu chúng tôi không trả tiền chi phí đi lại tới ngôi làng cho cô ấy. Tuy nhiên, chúng tôi không có tiền và giới chức giáo dục đã không cử giáo viên mới đến” – ông Salim Samoon nói. Ông Salim có 7 đứa cháu đang theo học tại ngôi trường phục vụ cho gần 600 dân cư ở Chancher Redhar – một ngôi làng ở cách thành phố Karachi 2 giờ chạy xe.
Ngôi làng mà bé Bushra đang sống ở cách xa những khu vực bảo thủ ở phía Tây Bắc Pakistan - nơi các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào các trường học công xảy ra khá phổ biến, khiến cho các em học sinh không dám đến trường. Những tổn hại của “những trường học ma” ở khắp Pakistan, ví dụ như ngôi trường ở làng Chancher Redhar, lại là do tự gây ra và tiềm ẩn một nguy cơ lớn hơn: một thế hệ mới những đứa trẻ đang lớn lên mà không được giáo dục vì các trường học đã bị bỏ bê, phá hủy hay vì các giáo viên không đến lớp.
“Các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều về những vụ đánh bom nhằm vào các trường học có thể vì việc này nhìn thấy được. Nhưng đây lại là vấn đề nguy hiểm hơn” – ông Rahmatullah Balal, thuộc tổ chức phi chính phủ Ailaan Alif cho hay.
Ông Balal mới đây đã công bố một bảng báo cáo xếp hạng các huyện ở Pakistan về chất lượng giáo dục. Theo báo cáo xếp hạng này, huyện Thatta – nơi bé Bushra và những người bạn cùng lớp đang sinh sống – xếp ở vị trí thứ 140 trong tổng số 144 huyện được xếp hạng và chỉ xếp trước các khu vực là căn cứ của Taliban ở phía Tây Bắc Pakistan.
Trước thực trạng đáng báo động về các “trường học ma”, Tòa án Tối cao Pakistan hồi năm ngoái đã yêu cầu các tỉnh rà soát kỹ lưỡng các cơ sở nhận học sinh và được chính thức ghi nhận là trường học. Kết quả của cuộc rà soát được công bố vào cuối tháng 11 vừa qua đã khiến nhiều người bị sốc.
“Tại hầu hết các cơ sở giáo dục cơ bản ở cấp huyện, tình hình rất đáng báo động. Hầu hết các ngôi trường này là các đơn vị giáo dục trên danh nghĩa nhưng thực tế không có bấy kỳ học sinh nào đã được nhận vào trường theo học và các giáo viên thì nhận lương song lại ở nhà” – bản báo cáo cho hay.
Cùng với các giáo viên có nhận lương nhưng không giảng dạy, các trường khác lại không chỉ định giáo viên, hoặc bị các chủ đất giàu có chiếm đoạt, hoặc có những vi phạm về ngân sách, chẳng hạn như việc chi tiền mua những chiếc máy tính không bao giờ đến nơi.
“Chính quyền và các công chức không có thiện chí giải quyết vấn đề. Tiền mà Chính phủ chi cho các trường học thường bị các cán bộ lấy mất. Ngân sách trên giấy tờ được chi cho trường học nhưng lại không hề được chi tiêu và sau đó biến mất” – ông Balal nói.
Trong khi đó, theo các chính trị gia, Chính phủ Pakistan lại không ưu tiên xử lý vấn đề này. “Chúng ta phải đầu tư cho giáo dục vì đây là cách duy nhất để đạt được sự tiến bộ. Các vị cần phải thừa nhận vấn đề trước khi sửa chữa nó” – bà Humera Alwani, thuộc Đảng Nhân dân Pakistan bày tỏ.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của những “ngôi trường ma” cũng khiến cho các gia đình nghèo khó không khuyến khích con cái đi học. Thay vào đó, họ cho rằng việc cho con cái ra đồng hay đến chợ có ích hơn. “Những đứa con của chúng tôi, chúng chẳng biết gì cả. Chúng không biết ý nghĩa tên của chúng, không biết những điều cơ bản, không biết bất cứ thứ gì” – ông Kazoo Samoon, một người dân ở làng Chancher Redhar nói.
Trở lại với lớp học của Bushra, bài học của cô bé cũng chỉ kéo dài được vài phút và kết thúc với việc hát quốc ca. Sau đó, những bé gái tiếp tục chơi đùa như chúng vẫn thường làm kể từ khi giáo viên bỏ đi trong lúc chờ đợi một giáo viên khác, mà có thể sẽ chẳng bao giờ đến.