Nước sông Sài Gòn mỗi năm xấu đi
Theo phản ảnh của người dân và ghi nhận của PV, sông Đồng Nai đang gánh nước thải của đô thị hơn triệu dân, cùng với các khu công nghiệp (KCN) ở đoạn chảy qua TP Biên Hòa. Ở thị xã Dĩ An, (huyện Tân Uyên, Bình Dương), các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp cũng dồn về sông Đồng Nai. Khu vực quận 9 (TP HCM) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Theo kết quả quan trắc năm 2017- 2018 của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam, chất lượng nước mặt trên hệ thống sông Đồng Nai ở hạ lưu, khu vực TP HCM chỉ đạt mức sử dụng cho mục đích giao thông thủy. Hạ lưu các sông trong hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm chủ yếu là do sự phát triển công nghiệp và gia tăng dân số cơ học nhanh, nước thải đô thị và một phần nước thải công nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để thải ra môi trường.
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cũng cho biết, nguồn nước trên sông Sài Gòn mỗi năm đều xấu đi khi các chỉ số hóa sinh đều tăng. Không chỉ bị ô nhiễm vi sinh, chất hữu cơ, kim loại nặng, trong nguồn nước thô còn xuất hiện các chất hoặc chưa nằm trong danh mục cần được xử lý cho nước máy hoặc chỉ mới được kiểm soát định kỳ như: hợp chất gây rối loạn nội tiết, dư lượng kháng sinh, chất có thể gây ung thư...
Sẽ triển khai nhiều giải pháp
Trước thực trạng trên, phía TP HCM cho biết, việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là hết sức cấp bách. Do vậy, mới đây, TP đã triển khai thực hiện đề án nhằm giảm ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước cho người dân...
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay, để thực hiện chương trình, tới đây, TP sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và giải quyết điểm nóng về môi trường. Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh...
Cụ thể hơn, theo kế hoạch của TP, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là đầu mối tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm. Việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền cũng sẽ được đẩy mạnh.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Sở Công Thương cùng phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện rà soát, đề xuất địa điểm các cụm công nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phục vụ cho chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không phù hợp quy hoạch. Đồng thời đôn đốc việc xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm di dời vào cụm công nghiệp...
TP nhấn mạnh, sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường chất lượng nước mặt sông Sài Gòn- Đồng Nai và các kênh rạch trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cây xanh trồng phân tán. Kiểm soát quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...
Đặc biệt về công tác phối hợp, lãnh đạo TP cho biết, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu