Vì phong trào Hezbollah ở Lebanon bị Mỹ, Anh, Israel, Canada, Australia, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab và Hội đồng vùng Vịnh liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, nên thông tin của tờ Politico đang tạo sự chú ý nhất định của dư luận, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (18-12), trong đó coi Iran là đối tượng nguy hiểm.
Bất mãn
Một số quan chức dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama nói với tờ Politico rằng, ông chủ Nhà Trắng khi đó muốn cải thiện với Iran nhằm trì hoãn chương trình vũ khí hạt nhân và phóng thích 4 tù nhân người Mỹ đang bị Tehran giam giữ, và đó là một trong những nguyên nhân khiến Dự án Cassandra ra đời. Nhưng họ phủ nhận đã làm “trật bánh” các hành động chống lại Hezbollah.
Theo ông Kevin Lewis, người từng làm việc ở Nhà Trắng và Bộ Tư pháp trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, đã có hành động nhất quán chống lại Hezbollah, cả bằng những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và hành động thực thi pháp luật trước và sau thỏa thuận Iran. Nhưng càng gần tới thời điểm Mỹ phải hoàn thiện thỏa thuận hạt nhân với Iran thì việc tiến hành các cuộc điều tra với Hezbollah càng khó khăn hơn. Do đó, sau khi ông Barack Obama công bố thỏa thuận vào tháng 1-2016, các quan chức của Dự án Cassandra (Project Cassandra) đã bị “chuyển công tác”.
Theo giới truyền thông, việc bị “chuyển công tác” đã khiến những người từng tham gia Dự án Cassandra tỏ ra bất mãn, nên mới tiết lộ vụ động trời kể trên. “Đây là một quyết định về chính sách, một quyết định có hệ thống”, chuyên gia chống tài chính bất hợp pháp của Bộ Quốc phòng Mỹ David Asher, người từng giúp thành lập Dự án Cassandra nói với tờ Politico. Đồng thời cho biết, người ta đã chia thành từng phần của dự án để thực hiện toàn bộ nỗ lực này. Và nó đã được hỗ trợ với nguồn lực rất lớn - được thực hiện từ trên xuống dưới.
Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã nới lỏng chính sách hỗ trợ cho Hezbollah buôn ma túy và rửa tiền ngay trên đất Mỹ, theo Politico |
Khó xử
Tờ Politico dẫn lời một số cựu lãnh đạo Dự án Cassandra cho biết, chiến dịch của họ nhằm điều tra, bắt giữ, truy tố và xử phạt với quy mô lớn, nhưng nhiều quan chức của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính khi đó lại trì hoãn, cản trở, thậm chí bác bỏ yêu cầu của họ. Được biết, nếu Dự án Cassandra vận hành đúng “quy trình”, nhiều thành viên cấp cao của Hezbollah, bao gồm một trong những ông trùm ma túy lớn nhất thế giới (có biệt danh là Ghost, từng cung cấp vũ khí cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad) sẽ sa lưới.
Gần 2 năm trước (tháng 2-2016), Cơ quan Phòng chống ma túy của Mỹ (DEA) thông báo, đã phối hợp với cảnh sát châu Âu phá vụ rửa tiền và buôn lậu ma túy của Hezbollah. Và việc này là một phần của Dự án Cassandra. DEA cho biết, từ năm 2015 người của Hezbollah đã chuyển tiền buôn lậu ma túy từ châu Âu tới Trung Đông, trong đó có hàng triệu euro được chuyển qua Lebanon. Và một phần của số tiền này được dùng mua vũ khí. Hơn 4 năm trước (tháng 8-2012), cơ quan chức năng đã thu giữ 150 triệu USD thuộc một tài khoản ngân hàng ở Lebanon vì bị cáo buộc rửa tiền cho Hezbollah.
Theo tài liệu của DEA, gần 16 năm trước (tháng 1-2002), cơ quan chức năng Mỹ lần đầu tiên phát hiện băng nhóm buôn bán ma túy trái phép ở Mỹ cung cấp tiền trực tiếp cho Hezbollah (3-9-2002). Khi đó, các thành viên của băng nhóm này chủ yếu gốc Trung Ðông, đã buôn hóa chất pseudoephedrine với số lượng lớn từ Canada vào 2 thành phố Detroit và Chicago. Pseudoephedrine là thành phần không thể thiếu trong việc chế tạo ra methaphetamine, một loại ma túy tổng hợp đang phổ biến hiện nay...