Quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao- một vấn đề cấp thiết
Đây là sự kiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hưởng ứng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo Quyết định phê duyệt số: 678/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/6/2022 và tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ở các địa phương, doanh nghiệp.
Thông điệp của Hội thảo, là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân”. Với sự tham dự của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ góp phần vào thành công chung Hội thảo năm 2022.
TS Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho biết: “Tái chế và tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất và các hoạt động kinh tế khác, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chuyển giao những công nghệ hiện đại, hướng tới phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mong muốn thông qua Hội thảo này, góp phần truyền thông chính sách Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào đời sống thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý, tái chế và sử dụng tro xỉ, thạch cao, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì môi trường sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số”.
Tập trung các giải pháp để phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải mà chính là sự kết nối giữa các giữa các giai đoạn của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất sản đến khâu phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sau sử dụng để giảm khai thác, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm chất thải phát sinh và tác động xấu đến môi trường.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo. |
Theo PGS. Nguyễn Đình Thọ, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và thực hiện các cam kết tại COP26 về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động xấu và rủi ro trong quá trình phát triển đòi hỏi việc xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững theo hướng KTTH; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng tuần hoàn với tầm nhìn chia sẻ; tập trung đưa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, bộ tiêu chí chung ở cấp quốc gia, tiêu chí đối với các ngành, lĩnh vực và đối với từng loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các chính sách đặc thù để khuyến khích thực hiện KTTH; đưa những công cụ chính sách có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn.
Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường TS Đào Xuân Hưng trao đổi ý kiến cùng các đại biểu tại Hội thảo. |
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao hướng đến nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng thời các Doanh nghiệp phát thải tro xỉ, thạch cao và doanh nghiệp xử lý, tái chế, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao cũng nêu ra những khó khăn trong xử lý, tái chế, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao…