Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua Bộ Đại dương và Nghề cá nước này viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoản kinh phí nói trên để triển khai Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Việc tiếp nhận, sử dụng những hỗ trợ cụ thể về kỹ thuật, nhân lực, nguồn vốn từ phía Hàn Quốc có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng quy hoạch. Cụ thể, kết quả nghiên cứu từ dự án sẽ là tài liệu quan trọng hỗ trợ quá trình lập Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, với tầm nhìn và kinh nghiệm của một quốc gia phát triển, có hệ thống cảng biển mạnh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trao đổi với PLVN, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho hay, phía Hàn Quốc (Tư vấn KORPEC) và Cục Hàng hải Việt Nam đang tích cực trao đổi để có thể tiến hành việc thu thập, khảo sát và xử lý dữ liệu; dự báo nhu cầu hàng hóa; phân tích quy hoạch cảng biển hiện hữu; đề xuất mô hình quản lý tiên tiến; đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; phương án nâng cấp, di dời và phát triển các cảng...
“Việc kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế trước đây đã từng diễn ra, nhưng mới chỉ là những hỗ trợ mang tính khu vực như JICA giúp ở Cảng Lạch Huyên, Phần Lan hỗ trợ ở Định An. Còn lần này là một cuộc khảo sát, đánh giá và tư vấn mang tính tổng thể nên toàn sẽ diện và đầy đủ thông tin trước khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quan trọng này”, Cục trưởng Sang nói.
Tư vấn Hàn Quốc và Cục Hàng hải họp trực tuyến về việc xây dựng quy hoạch cảng biển của Việt Nam |
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết thêm, ngoài khoản ODA mà Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, Bộ Giao thông Vận tải đã, đang tiếp cận với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho quá trình phát triển các cảng biển ở Việt Nam.
“Chúng tôi đã trao đổi với Ngân hàng Thế giới về một một khoản hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu kết nối giao thông tại các cảng biển lớn ở Việt Nam, và bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của định chế tài chính này để có thể tính tới các bước tiếp theo”, ông Sang nói.
Ngoài quy hoạch tổng thể đang chuẩn bị nói trên, Cục Hàng hải Việt Nam cũng lên kế hoạch xây dựng một số quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch cảng cạn (ICD); Quy hoạch 6 nhóm cảng; Quy hoạch vùng đất, vùng nước các cảng... Ngoài ra, còn dự kiến triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ để hiện thực hóa và giải quyết mối quan hệ giữa các cảng biển với đô thị tại các thành phố lớn như TP.HCM...
Được biết, sau 2 thập kỷ thực hiện quy hoạch cảng biển lần đầu tiên ở Việt Nam, 6 nhóm cảng biển ở nước ta đã cơ bản thực hiện đúng so với quy hoạch đề ra ở thời điểm năm 2000. Việc lập quy hoạch lần này là nhằm hoạch định chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam dài hơi hơn; đồng thời cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
“Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch cảng biển nên sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho Việt Nam một cách khách quan nhất. Về xây dựng quy hoạch tổng thể, cần nghiên cứu phân kỳ, đồng thời xem xét mức độ hỗ trợ trong cơ chế, chính sách nước bạn đối với quy hoạch cảng biển Việt Nam”, ông Lê Hữu Quảng - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng hải.