Cũng trong buổi họp báo, nhiều vấn đề trong công tác tư pháp đã được các cơ quan báo chí đề cập và được đại diện các đơn vị thuộc Bộ trao đổi lại một cách thẳng thắn.
Điểm lại kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong quý I vừa qua, ông Hiển thông tin Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình 2/2 văn bản; thẩm định 34 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 7 đề nghị xây dựng VBQPPL; đã kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về nội dung.
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả: đối với 61 văn bản quy định chi tiết 14 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 43/61 văn bản. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết...
Về tình hình kiểm tra, xử lý Thông tư số 32/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ông Hiển cho biết Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền Thông tư số 32/2016/TT-NHNN, tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, thảo luận với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở đó có kết luận về tính hợp pháp của một số quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư này (Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB của Cục Kiểm tra VBQPPL).
Ngày 12/2/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2018/TT-NHNN chưa xử lý các nội dung theo kiến nghị tại Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB mà chỉ sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN. Theo đó, kéo dài thời hạn chuyển đổi thêm 2 năm đối với các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 11/3/2017) sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn số 1187/NHNN-PC gửi Cục Kiểm tra VBQPPL, trong đó tiếp tục giữ quan điểm cho rằng quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư là hợp pháp và không tiếp thu các kiến nghị tại Kết luận kiểm tra 05/KL-KTrVB.
“Hiện nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đang đề xuất Lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo quy định” – ông Hiển nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã nêu nhiều câu hỏi xung quanh các lĩnh vực mà Bộ Tư pháp quản lý nhà nước. Chẳng hạn như thi hành bản án liên quan đến Đinh La Thăng với số tiền mà ông Thăng phải bồi thường rất lớn; kiến nghị của Bộ Tư pháp về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; quan điểm của Bộ Tư pháp rằng có nên coi mại dâm là một nghề; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Võ Hòa Thuận – phụ huynh ép cô giáo phải quỳ ở Long An; cắt giảm điều kiện kinh doanh…
Về vụ việc liên quan đến ông Võ Hòa Thuận, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề ngày 22/1/2018 cho ông Thuận. Quá trình xem xét để cấp chứng chỉ, ông Thuận đủ điều kiện theo Điều 10 Luật Luật sư. Tuy nhiên, để được chính thức hành nghề, ông Thuận phải có thêm một số điều kiện khác, đơn cử như phải gia nhập một đoàn luật sư…
Trong quá trình hành nghề, bất cứ ai không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo Điều 18 Luật Luật sư. Đối với vụ việc của ông Thuận hiện nay mới có quyết định kỷ luật về đảng, chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Trường hợp có cơ sở kết luận ông Thuận không đủ điều kiện nữa, Cục sẽ báo cáo Bộ trưởng thu hồi chứng chỉ hành nghề.