• 23 bị cáo hầu Tòa. Một cán bộ Công an huyện Gia Bình (Bắc Ninh) nhận 220 triệu đồng để “chạy án” cho tội phạm ma túy.
TAND tỉnh Lạng Sơn vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 23 bị cáo trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Sơn La lên Lạng Sơn. Từ việc bắt quả tang và thu giữ 12 bánh hê-rô-in, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã làm rõ việc các bị cáo mua bán 48 bánh hê-rô-in và các hành vi phạm tội khác như “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Che giấu tội phạm”.
Phát lộ mắt xích
Tối 13/1/2008, Công an tỉnh Hòa Bình bắt quả tang Nguyễn Văn Đức (ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) vận chuyển 5 bánh hê-rô-in, Dương Văn Huy (ở xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) vận chuyển 5 bánh hê-rô-in qua địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Đức và Huy khai nhận số hàng trên là của cặp vợ chồng “hờ” Bùi Thị Nga và Nguyễn Văn Biển (ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Trước đó, hai đối tượng này nhận 1 tỷ đồng từ Nga và Biển để lên Mộc Châu (Sơn La) mua hê-rô-in, mang về Lạng Sơn với tiền công 6 triệu đồng/bánh.
Tiếp đó, ngày 22/2/2008, công an kiểm tra phòng trọ của Nga và Biển ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn đã phát hiện và thu giữ 2 bánh hê-rô-in. Cặp đôi này lập tức bị bắt tạm giam và bị khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Thời điểm đó, Bùi Thị Nga cho thấy đối tượng này đang bị Công an quận Long Biên (Hà Nội) truy nã trong một vụ mua bán hê-rô-in khác. Trong vụ án này, đồng phạm của Nga đã bị xét xử (trong đó, chồng cũ của Nga là Trần Thế Cự bị phạt tù chung thân). Ngoài ra, Nga, Biển và một số đối tượng khác còn bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” và “Làm môi giới hối lộ”.
Xác định đường dây mua bán ma túy của Nga, Biển có yếu tố liên tỉnh, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp nhận 3 vụ án trên để điều tra. Sau đó, công an xác định các đối tượng trong vụ án này đã hình thành đường dây mua bán trái phép, vận chuyển trái phép 48 bán hê-rô-in một cách “khép kín” từ Sơn La, qua Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh đến Lạng Sơn (trong đó, CQĐT thu giữ được 12 bánh hê-rô-in).
Một số bị cáo và tang vật vụ án
Cán bộ công an “nhúng chàm”
Ra tòa hôm nay còn có một số bị cáo bị truy tố về tội danh liên quan đến việc “chạy án” cho các bị can, trong đó đáng chú ý có Nguyễn Tiến Phong (30 tuổi, nguyên cán bộ Công an huyện Gia Bình, Bắc Ninh).
Năm 2006, Trần Thế Cự bị Công an quận Long Biên bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Do có liên quan và sợ bị bắt nên Nguyễn Văn Biển đã nhờ Nguyễn Văn Tỏ (em con chú ruột) tìm cách “chạy án”. Tỏ tìm đến Nguyễn Tiến Phong và được Phong “ra giá” 220 triệu đồng. Bố đẻ của Biển là Nguyễn Văn Cảnh đã chuyển số tiền này cho Phong tại nhà Tỏ. Sau đó, bố con Cảnh, Biển bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, còn Phong bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”. Tuy nhiên, cho đến nay, Cơ quan CSĐT vẫn chưa xác định được người “nhận hối lộ” trong vụ việc này!?
Không biết có phải nhờ việc “chạy án” nêu trên hay không mà Biển đã ở ngoài vòng tố tụng, cho đến năm 2008 mới bị bắt trong một vụ khác tại Lạng Sơn. Đến khi Cự lĩnh án tù chung thân ở phiên tòa sơ thẩm, Tỏ tiếp tục được Nga nhờ “chạy án” xuống 20 năm tù với giá 250 triệu đồng. Sau đó, Cự vẫn bị y án chung thân nên con rể Cự là Nguyễn Văn Quế đã đến đòi lại 250 triệu đồng. Đến khi bị bắt, Tỏ mới trả được 120 triệu đồng. Với hành vi trên, Nga, Quế, Biển bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, Tỏ bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”.
Đến khi Bùi Thị Nga bị bắt, một số đối tượng tiếp tục tìm mối chạy tội cho Nga không bị tử hình. Liên quan đến việc này, Bùi Thế Ngợi (anh trai của Nga) và Nguyễn Thiết Bình (trú tại xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) đã bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Một số đối tượng là người nhà của các bị can trong vụ án ma túy cũng phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi đưa hối lộ của mình.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 23 bị cáo này sẽ kéo dài trong 10 ngày.
Khoa Lâm