Hôm qua (20/6), tại Bình Dương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam vào Dự thảo Đề án.
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam…
Đẩy mạnh phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Tại Hội nghị, các địa phương đều đánh giá cao Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, hoàn thiện khối lượng công việc nghiên cứu, tổng hợp rất lớn với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết. Các bản Dự thảo Đề án được thực hiện công phu, khoa học, chặt chẽ, nêu được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta thời gian qua. Đặc biệt, trên cơ sở các hội thảo, hội nghị cấp quốc gia và nghiên cứu 27 chuyên đề, Dự thảo Đề án đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về những vấn đề đặt ra trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng cho biết, việc phân cấp, phân quyền đã được đẩy mạnh thời gian qua, nhưng vẫn có những hạn chế cần khắc phục. Ví dụ như quyền quyết định đối với các dự án lớn tại địa phương, dù phân cấp cho địa phương nhưng quy định phải chờ các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến đã dẫn đến tình trạng mất quá nhiều thời gian chờ đợi; thủ tục thẩm định, phê duyệt còn phức tạp, nên nhiều dự án khó triển khai trên thực tế. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Đề án cần định hướng đẩy mạnh phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm giải trình để tăng tính tự chủ cho địa phương, đồng thời đề cao trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, một số địa phương cho rằng, mô hình tổ chức địa giới hành chính hiện nay chưa có sự khác biệt về quy mô dân số, dẫn đến chưa phát huy được các chính sách đặc thù cho mỗi địa phương. Đây là vấn đề mà Đề án cần nghiên cứu để phù hợp hơn với thực tế và tạo động lực phát triển.
Phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu thực tiễn
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua 3 hội nghị tại miền Bắc, miền Trung và Hội nghị này cho thấy, các đại biểu đánh giá Dự thảo Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Theo đó, các ý kiến bao quát được đầy đủ các vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, như: xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường dân chủ XHCN; kiểm soát quyền lực nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; việc thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; phương thức lãnh đạo của Đảng, cấp ủy; vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và phân quyền cho địa phương; vấn đề chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chúng ta đã đạt được sự thống nhất cao về những vấn đề chính trị - pháp lý cốt lõi, quan trọng về nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Dự thảo Đề án đã bám sát Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng thể hiện tại Cương lĩnh của Đảng, các văn kiện của Đại hội Đảng và Hiến pháp 2013. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Mới đây, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định, một trong những đặc điểm của xã hội XHCN mà nhân Việt Nam đang phải xây dựng là có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Như vậy, có thể khẳng định, việc chúng ta nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch nước tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng ta lãnh đạo, hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.