Chiều qua (23/4), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện về xây dựng tiêu chí đô thị văn minh.
Băn khoăn tính khả thi
Trình bày dự thảo Tiêu chí đô thị văn minh, đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, có 10 tiêu chí về đô thị văn minh, trong đó có tiêu chí về quy hoạch kiến trúc đô thị, giao thông đô thị, chiếu sáng công cộng đô thị, y tế - giáo dục, sự hài lòng của người dân…
Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành các tiêu chí đô thị văn minh, tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của những tiêu chí này. Theo ông Nguyễn Ngọc Đào, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam), xây dựng tiêu chí phải phù hợp với sự phát triển của đất nước trong hoàn cảnh hiện nay để làm sao khi tiêu chí ban hành thì người dân làm được. “Đừng chạy theo thành tích, đừng nâng tiêu chí lên lên quá cao sẽ khó đạt được”, ông Đào kiến nghị.
Còn theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, phạm vi của dự thảo rất rộng, từ vấn đề giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, y tế - giáo dục, nhà ở... Ông cho rằng quy định như trong dự thảo “thì mông lung và rộng quá”, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập trong tiêu chí về nhà ở và công trình công cộng khi dự thảo quy định tỷ lệ sàn nhà ở bình quân phải lớn hơn hoặc bằng 29m2 sàn/người. “Quy định như vậy là duy ý chí”, GS. Đường nói.
“Tôi đọc dự thảo từ chiều qua đến sáng nay rồi nhưng góp ý cho cái này khó lắm. Nhất là thành phố thì có nhiều loại, có thành phố loại 1, loại 2, loại 3. Vậy tiêu chí này áp dụng chung cho cả 3 hay chỉ cho một loại đô thị?”, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, chia sẻ.
Cùng quan điểm này, ông Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội đề nghị các mục tiêu cụ thể của từng tiêu chí nên xem xét lại, bởi có cái quá thấp, có cái quá cao, một số nội dung diễn đạt dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Lấy ví dụ về tiêu chí nhà ở tại dự thảo, ông Tăng cho biết điều này là không hợp lý, bởi ngay cả nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng chỉ xây nhà ở có 25m2 sàn/người.
Từ những bất cập này, một số đại biểu chỉ rõ, lẽ ra cơ quan soạn thảo phải có tờ trình, nói rõ căn cứ pháp lý nào để xây dựng các tiêu chí này. Ngoài tiêu chí về diện tích nhà ở thì việc dự thảo quy định về tiêu chí về giao thông đô thị “các tuyến đường có bề rộng mặt đường xe chạy lớn hơn hoặc bằng 7,5m” là căn cứ vào đâu, kể cả khoa học lẫn thực tiễn?
Phải biết khơi dậy sự hưởng ứng của người dân
Cho rằng dự thảo chưa nói rõ về thời hạn áp dụng, ông Đỗ Duy Thường đặt vấn đề: Bộ tiêu chí này dùng cho bao nhiêu năm, 5 năm hay 10 năm? Theo tôi, trong 5 năm hay 10 năm tới, chúng ta cần tập trung vào vấn đề gì, văn hóa - xã hội hay an ninh trật tự…, thì cần phải nêu ra, chứ dàn trải thì tính khả thi không cao. Nhà nước cũng không thể đầu tư cho tất cả 10 bộ tiêu chí lớn như vậy.
Lấy dẫn chứng một số vụ sàm sỡ với phụ nữ và trẻ em trong thời gian vừa qua, ông Trần Văn Môn, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) cho rằng cuộc sống đô thị rất phức tạp nhưng vấn đề giới (bảo vệ phụ nữ và trẻ em) như thế nào thì chưa được nói rõ trong dự thảo.
Tiêu chí giao thông đô thị “các tuyến đường có bề rộng mặt đường xe chạy lớn hơn hoặc bằng 7,5m” bị các đại biểu cho rằng khắt khe. (Hình minh họa) |
Đáng chú ý, theo các đại biểu, xây dựng đô thị văn minh thì phải lấy người dân làm chủ thể, nhưng các tiêu chí tại dự thảo của Bộ VHTT&DL thì hầu như không đề cập đến vai trò của chủ thể này. “Trong dự thảo chưa thấy hình ảnh nhân dân phải làm gì để cho đô thị văn minh… Chưa thấy hình ảnh của Mặt trận trong vận động nhân dân xây dựng đô thị văn minh. Nhân dân là chủ thể mà không thực hiện việc xây dựng đô thị văn minh thì rất khó”, ông Thường nêu quan điểm.
Giải thích rõ hơn, ông Thường nói: “Ở đô thị văn minh mà người dân đổ rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường cũng không ai phạt, bản thân tôi đã vài lần dựng biển cấm đổ rác nơi công cộng nhưng cũng không có hiệu quả.
Rồi mọi người, mọi nhà vô tư thả rông chó không có rọ mõm ra đường, vừa gây nguy hiểm cho mọi người, vừa mất vệ sinh môi trường do chó phóng uế bừa bãi”. Do vậy, các đại biểu đề nghị, để xây dựng thành công đô thị văn minh, chúng ta phải biết khơi dậy và huy động được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề xuất phải có nhiều hội thảo, đánh giá tác động về các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị, giao thông đô thị, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, nhà ở, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục... để xây dựng được một bộ tiêu chí về đô thị văn minh nhận được sự hài lòng, đồng tình ủng hộ của người dân chứ không phải xây dựng tiêu chí để bộ, ngành “chạy” theo thành tích.
“Quy định đề ra nhưng phải có tính hiệu quả, phải làm sao để quy định khi đi vào cuộc sống thay đổi được chất lượng, diện mạo của đô thị mới là quan trọng. Nếu không, dù ban hành nhiều đến mấy mà không rõ trách nhiệm, không quy trách nhiệm thì rất khó thực hiện”, ông Môn nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa để bộ tiêu chí đảm bảo theo hướng xác thực hơn, phạm vi áp dụng gần gũi hơn và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
“Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp cùng với Bộ VHTT&DL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để ban hành bộ tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh, từ đó huy động sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện”, bà Ánh cho biết.