Chia sẻ tại tọa đàm về Hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVETTA diễn ra mới đây, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, hiện tại, Cần Thơ có hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 168 doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có 66 doanh nghiệp, với hơn 50 đơn vị xuất khẩu sang thị trường EU.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản điển hình như cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con, cá tra xẻ bướm, cá đông lạnh, tôm đông lạnh, tôm đóng hộp, ghẹ đóng hộp, cá mòi, chả cá, chả cá surimi, cá tra sushi... Các mặt hàng xuất khẩu như cá tra, tôm vẫn duy trì ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của thành phố đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, mang giá trị cao trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.
Tại tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để khai thác tốt các ưu đãi từ các FTA cần chú trọng vào 5 vấn đề chính: nguồn nguyên liệu; tiếp cận vốn tín dụng; tiếp cận thị trường và đơn hàng; thông tin về quy định nước ngoài; xây dựng thương hiệu.
Ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp nêu ra một số lợi thế của các FTA giúp phát triển lâu dài cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn gặp nhiều thách thức liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hoá, cước phí vận tải, chứng nhận nuôi trồng và vai trò của các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, vấn đề gỡ bỏ thẻ EC là một thách thức quan trọng đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Tại tọa đàm, bà Vũ Thùy Linh - Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN & PTNT) cho hay, với đường bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy sản phong phú và đa dạng. Cùng với đó, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn mang lại lợi thế đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như các rào cản thương mại, nguồn cung vật tư và trách nhiệm với môi trường. Vì vậy, theo bà Linh, việc phát triển bền vững và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là điều cần thiết.
Về một số giải pháp đối với TP Cần Thơ trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, cần tăng cường liên kết với các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu. Ông cũng nhấn mạnh tới việc hoàn thiện các Trung tâm Logistics hạng II và Logistics hàng không tại Cần Thơ, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với đối tác trong và ngoài nước.