Yêu cầu cấp thiết
Các ý kiến tại Tọa đàm nhất trí cho rằng, sau gần 10 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và Nhân dân Vùng Thủ đô về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô.
Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, TS Dương Thị Thanh Mai - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, sau gần 10 năm, hệ thống pháp luật của chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trong khi đó, theo nguyên tắc áp dụng luật, những luật ban hành sau Luật Thủ đô mà có điều chỉnh các vấn đề mà đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải áp dụng các luật sau.
Do đó, một số chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô phần nào đã bị “vênh” đối với các luật ban hành sau.
Ngoài ra, trong 14 quy định về chính sách đặc thù của Thủ đô, có 9 điều giao cho chính quyền TP ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Song, ở “tầm” của các văn bản này lại vướng ngay với các văn bản của Trung ương và các thông tư của các bộ.
TS Dương Thị Thanh Mai phát biểu tại tọa đàm. |
Dẫn chứng vấn đề cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, TS Dương Thị Thanh Mai chỉ ra rằng, điều này đã được quy định trong Điều 16 của Luật Thủ đô; TP Hà Nội đã ban hành chương trình và HĐND TP cũng đã ban hành các nghị quyết nhưng lại vướng các văn bản quy định tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Nhà ở được ban hành sau Luật Thủ đô.
Phải đến năm 2021, khi Bộ Xây dựng sửa đổi các thông tư và Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thì phần nào những vướng mắc mới được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, theo Dương Thị Thanh Mai, dù các chính sách quy định tại Luật Thủ đô đều đúng nhưng còn chung chung, mang tính định hướng, thiếu các cơ chế, điều kiện đảm bảo để thực hiện.
Đồng quan điểm, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh về các nhu cầu thực tiễn. “Chúng ta đang xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế lớn của đất nước nhưng điều kiện để đảm bảo nguồn lực cho việc này còn khá khó khăn”, ông Bình đánh giá.
Theo TS Lê Duy Bình, việc áp dụng thể chế, cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội cho Thủ đô để phát huy được những tiềm năng, nguồn lực sẵn có cho quá trình phát triển của Thủ đô là yêu cầu cấp thiết.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam bổ sung thêm rằng, TP Hà Nội đang gặp phải những vấn đề của một siêu đô thị, như tốc độ phát triển xây dựng, tắc đường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, kiểm soát ô nhiễm lưu vực các dòng sông, thiếu các trung tâm vui chơi, văn hóa để đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần của Thủ đô…
“Dù Luật Thủ đô đã tạo một số điều kiện nhất định nhưng đối mặt với sự phát triển chóng mặt của một siêu đô thị thì cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá. Để phát triển Hà Nội trong tương lai với những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng được mục tiêu phát triển”, ông Quang nói.
Đề xuất một số chính sách có tính đột phá
TP Hà Nội đã xây dựng 9 nhóm chính sách đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính-ngân sách cho phát triển Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô…
Dẫn kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính quyền Thủ đô, TS Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, ở những nước có thể chế đặc thù dành riêng cho Thủ đô, họ thường có quy định trao nhiều quyền mà chính quyền các tỉnh, TP khác không có được, thường là những quyền vốn thuộc về chính quyền trung ương hoặc các bộ, ngành.
“Ví dụ, tại Hàn Quốc, Thủ đô Seoul được trao quyền liên quan đến công tác nhân sự, quy hoạch, giao thông, môi trường, huy động vốn… rất rộng. Để chính quyền thủ đô có điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cho phát triển thì cần được trao thẩm quyền ở mức tương xứng. Việt Nam hoàn toàn có tính toán được vì Thủ đô có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là về nguồn nhân lực. Do đó, việc trao thẩm quyền nếu có chính sách hợp lý là phù hợp”, ông Cương cho hay.
TS Nguyễn Văn Cương phát biểu. |
Phân tích nội dung nhóm chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TS Dương Thị Thanh Mai cho biết, ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội còn có nghiên cứu xây dựng mô hình TP trong Thủ đô.
Cùng với đó, nhóm này cũng đã thể hiện một số chính sách có tính đột phá như trao quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong việc quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức các cơ quan trực thuộc thay vì phải xin ý kiến Bộ Nội vụ với quy trình phức tạp.
“Ví dụ, hiện nay, chúng ta có 2 Sở cùng quản lý câu chuyện về nước sạch là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Xây dựng thì có thể giao cho 1 đầu mối để tạo sự liên thông”, TS Dương Thị Thanh Mai phân tích.
Ngoài ra, nhóm chính sách này cũng đề xuất trao quyền cho TP tự quyết định biên chế cho các cơ quan của TP và các quận, huyện trên cơ sở tổng biên chế đã được Chính phủ phê duyệt để tạo sự chủ động đến từng quận, huyện.