Sản xuất nông nghiệp vượt khó, giành nhiều thắng lợi
Mục tiêu chung của Nghị Quyết đó là xây dựng nền nông nghiệp Hưng Yên “Hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”,tập trung khai thác và phát huy tốt lợi thế của tỉnh; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản và chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đổi mới phương thức sản xuất, cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới; xây dựng NTM “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, ngày càng văn minh, hiện đại; xây dựng đời sống văn hoá và bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản theo xu hướng giảm tỷ trọng, diện tích đất nông nghiệp mỗi năm giảm trên dưới 1.000ha cho phát triển giao thông, công nghiệp và đô thị, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của người nông dân, các doanh nghiệp, trang trại, HTX, nhà vườn... trên địa bàn tỉnh, nên việc tổ chức thực hiện Nghị quyết trong 2,5 năm qua, tỉnh Hưng yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 2,66%/năm, sáu tháng đầu năm 2023 đạt 2,26%, đạt mục tiêu Nghị quyết (MTNQ) đề ra (MTNQ tăng bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 2,0 – 2,5%/năm); cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao; giá trị thu được trên 1 ha canh tác năm 2022 đạt trên 230 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2023 đạt 240 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu so với năm 2020 (MTNQ đến năm 2025 là 250 triệu đồng/ha)...
Đặc biệt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực được quan tâm, đẩy mạnh và có bước phát triển khá, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng cao và hiệu quả gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên thời gian qua là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đều giảm (bình quân mỗi năm giảm khoảng 1.000ha) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 2,66%/năm.
Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ… giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thăm vườn Nhãn tại xã Hồng Nam - TP Hưng Yên (Bộ trưởng mặc áo trắng đứng đầu tiên từ phải qua trái). |
Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn lợn đạt hơn 487 nghìn con, tổng đàn trâu bò hơn 36 nghìn con, tổng đàn gia cầm 9,4 triệu con từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học và chiến tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, tổng quy mô chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP lên 2.801.682 con gia súc, gia cầm, sản xuất an toàn theo chuỗi. Nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, “nuôi lồng bè trên sông” và “nuôi thủy sản trong ao bán nổi” với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề… được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra. Nhiều sản phẩm OCOP Hưng Yên mang đặc trưng, lợi thế riêng có gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa Hưng Yên như Nhãn lồng Hưng Yên, Gà Đông Tảo, Vải trứng Hưng Yên, Long nhãn Hưng Yên, Mật hong hoa nhãn, Nghệ Chí Tân,... Sản phẩm OCOP có bao bì, nhãn mác, mẫu mã đa dạng, nhiều thiết kế giỏ quà, quà tặng sang trọng và có giá trị cao, hướng đến xuất khẩu.
Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 83 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, bằng 59,7% số xã; 19 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống của người dân. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.
Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới
Xác định thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Xem xét, phê duyệt một số đề án, dự án mới: Đề án "Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Đề án "Phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2040"...
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất;...
Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được triển khai thực hiện, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng; tập trung xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 195 khu dân cư kiểu mẫu và ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cùng với đó, phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng giá trị gia tăng của sản phẩm.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch; hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch,...
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.