Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ hai của Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 16 đến ngày 19/11. Để hướng tới tầm nhìn chung về hệ thống CRVS toàn cầu nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền; hỗ trợ quản trị tốt, sức khoẻ và phát triển, Hội nghị đã thảo luận về xây dựng hệ thống CRVS linh hoạt, thích ứng – tiếp thu các bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 trong nửa cuối thập niên CRVS châu Á – Thái Bình Dương; tầm quan trọng của CRVS, định danh pháp lý đối với tất cả mọi người trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Sự tiến bộ đáng kể của các quốc gia trong việc cải thiện hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch thông qua việc thực hiện Khung hành động khu vực về đăng ký và thống kê hộ tịch ở châu Á – Thái Bình Dương; nhận thức rõ hơn sự cần thiết về cách tiếp cận toàn diện giới đối với đăng ký và thống kê hộ tịch; tầm quan trọng của các số liệu thống kê hộ tịch; tầm quan trọng của số hoá trong việc bảo đảm đăng ký và thống kê hộ tịch…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. |
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam đã gắn việc triển khai Tuyên bố, Khung hành động với các chương trình, kế hoạch quốc gia về đăng ký hộ tịch, đặc biệt là tổ chức thực hiện Luật hộ tịch năm 2014 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.Vì vậy, Hệ thống đăng ký hộ tịch của Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn.
Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng CRVS lần thứ hai này và hi vọng rằng đây sẽ là cơ hội tốt để các quốc gia trong khu vực cùng nhau đánh giá đầy đủ, khách quan các kết quả đã đạt được, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, từ đó thống nhất đưa ra những giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện tốt hơn công tác đăng ký, thống kê hộ tịch,hướng đến mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng châu Á Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch. |
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam mong muốn rằng, các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực sẽ cùng quyết tâm và nỗ lực hành động mạnh mẽ hơn để sớm bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả người dân, tiến tới xóa bỏ mọi rào cản, phân biệt đối xử trong đăng ký hộ tịch, đặc biệt đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương để cùng nhau đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 16.9 của Liên hợp quốc, là chậm nhất đến năm 2030 cấp nhận dạng pháp lý cho tất cả mọi người, gồm cả đăng ký khai sinh.
Hội nghị cũng thông qua tuyên bố cấp Bộ trưởng, khẳng định lại tầm nhìn chung đến năm 2024, tất cả người dân ở châu Á – Thái Bình Dương đều được hưởng lợi từ hệ thống CRVS phổ cập và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền cơ bản của người dân và hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, bảo đảm sức khoẻ và phát triển.