Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2018, các bộ đã trình Chính phủ cho ý kiến 17 dự án luật, pháp lệnh. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về Chương trình năm 2018, Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua 17 luật, pháp lệnh và cho ý kiến 6 dự án luật.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong năm 2018, đã có một số lượng lớn các dự án được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, UBTVQH. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và nhiều bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn hạn chế như: một số dự án luật phải xin rút ra khỏi Chương trình, lùi thời hạn trình; có dự án luật phải lùi thời hạn và chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp; một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật.
Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp, tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân: Thời gian qua, để góp phần ổn định nền kinh tế - xã hội, các bộ phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa thỏa đáng.
Cùng với đó, lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật. Khi đề xuất đưa các dự án vào Chương trình, các cơ quan đề xuất, lập đề nghị chưa dự liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, việc huy động được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng, ban hành văn bản còn hạn chế.
Chuyển biến rõ rệt
Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2020, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đối với chương trình dự án Luật được Quốc hội thông qua: Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án vào Chương trình năm 2020. Đối với chương trình cho ý kiến: Chính phủ đề nghị đưa 5 dự án luật.
Tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, đối với chương trình thông qua: Chính phủ đề nghị 5 dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Còn chương trình cho ý kiến thì có 1 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2019, Theo Bộ trưởng Lê Thành Long ngoài 3 dự án luật đã được UBTVQH quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019 thì Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo. Bao gồm: rút ra khỏi Chương trình 2 dự án luật; lùi thời hạn trình 2 dự án; bổ sung vào Chương trình 6 dự án, dự thảo. “Trong số 6 dự án, dự thảo bổ sung, Chính phủ đề nghị UBTVQH, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu thực thi Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Đánh giá cao việc xây dựng Luật, pháp lệnh trong thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trước đây khi xây dựng luật, pháp lệnh, thường Ban soạn thảo khoán trắng hết cho các Ủy ban sau khi trình lần thứ nhất thậm chí đi họp chỉ cử vụ trưởng, thứ trưởng còn Bộ trưởng chỉ xuất hiện lần trình thứ nhất, còn lần thứ 2, thứ 3 khó thấy. “Nhưng từ đầu khóa đến giờ chúng ta đã có những bước đổi mới rõ rệt. Trách nhiệm cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã nâng lên rõ rệt và điều đó cho thấy những vấn đề lớn của các dự án luật đã được nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, phản biện một cách thấu đáo. Và đó cũng là lý do không phải tự nhiên các dự án luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng ý rất cao”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét.
Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính dự báo trong Chương trình xây dựng pháp luật không cao nên việc rút, lùi, bổ sung năm nào cũng diễn ra, kỳ họp nào cũng diễn ra. Cùng với đó, cơ quan thẩm tra còn nể nang, chưa mạnh mẽ lắm trong thẩm tra. Một số trường hợp thiếu kiên quyết còn xuôi chiều với cơ quan soạn thảo. Khi đưa ra thảo luận những ĐBQH am hiểm thì phát biểu sâu, còn một số đại biểu thì chưa tập trung vào những vấn đề lớn, còn ý kiến chung chung.