Ngành Nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN. Hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Trong đó, khoa học - công nghệ và đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP) sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam. Ở giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh chủ đề của Diễn đàn Tăng trưởng châu Á là “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành Nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) để chuyển đổi ngành Nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Con người phải làm chủ Cách mạng công nghiệp 4.0
Phát biểu tại Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra ngày 11/9 trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định, doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận của cuộc CMCN 4.0.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh và bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển của trong nước và quốc tế, đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các cơ hội của cuộc CMCN 4.0. Bộ trưởng cũng đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0.
Thảo luận trong “Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?”, các diễn giả đều cho rằng CMCN 4.0 mang lại nhiều điều cho xã hội và cũng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. “CMCN 4.0 sẽ trao quyền và hướng tới con người. Chúng ta không được làm nô lệ của máy móc mà phải làm chủ chúng”, người điều phối - bà Amrita Cheema, Biên tập viên cấp cao tại kênh truyền hình Duetsche Welle (Đức) nhấn mạnh. Ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, 25 tuổi, thành viên trẻ nhất trong nội các Malaysia nhấn mạnh: “Chúng ta cần công nhận tiềm năng lớn của thanh niên. Họ là những người sẽ xây dựng và tạo ra tiềm năng lớn của CNCN 4.0. Ý kiến trước đây cho rằng người lớn tuổi mới là những người có kinh nghiệm, nhưng trên thực tế, những người trẻ hiện nay cũng đang có nhiều kinh nghiệm. Chúng ta phải công nhận rằng những người trẻ sẽ là lãnh đạo trong tương lai”.
Tại Diễn đàn mở này, Giáo sư Klaus Schwab người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF cho biết, WEF đã mở trung tâm về CMCN 4.0 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore và sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia thiết lập cơ chế chính sách tiếp cận cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giáo sư Klaus Schwab tin tưởng: “Thế hệ trẻ Việt Nam và thế giới tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà cuộc CMCN 4.0 đem lại, bởi thúc đẩy cuộc CMCN 4.0 không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần trở thành nhân tố làm chủ công nghệ mới hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội