Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Hoàng Thanh (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) cho biết: Vụ đã nhận được phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong cách hiểu liên quan đến vấn đề chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (PLDS). Để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc này, Vụ đã xây dựng sơ thảo báo cáo tổng hợp trình Chính phủ về vấn đề khó khăn, vướng mắc này và đã tham mưu lãnh đạo Bộ ký Công văn số 3112/BTP-PLDSKT, Công văn số 4586/BTP-PLDSKT đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin và ý kiến về những vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng quy định của BLDS năm 2015. Đến nay, Vụ đã nhận được ý kiến của nhiều bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ, nhưng còn 2 cơ quan quan trọng chưa có văn bản cung cấp ý kiến về các vướng mắc.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng đã tham dự buổi đối thoại giữa Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, tham dự tọa đàm với Đoàn Luật sư TP Hà Nội về khó khăn, vướng mắc liên quan đến địa vị pháp lý của văn phòng luật sư. Hiện Vụ vẫn tiếp tục nhận được những phản ánh của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, chuyên gia, nhà khoa học về khó khăn trong việc hiểu và áp dụng quy định của BLDS năm 2015.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng chủ thể quan hệ pháp luật chỉ có cá nhân và pháp nhân và không sửa đổi Thông tư số 32/2016/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… không được mở tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, ngay trong hệ thống ngân hàng lại có sự khác biệt. Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn coi hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể quan hệ vay vốn và không có sự xáo trộn nào về quan hệ tín dụng với khách hàng.
Thông tin phản ánh từ Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết hàng loạt văn phòng luật sư đã không được ngân hàng cho phép tiếp tục sử dụng tài khoản của văn phòng luật sư mà yêu cầu mở tài khoản cá nhân của trưởng văn phòng. Nhưng khách hàng của văn phòng đã có những phản ứng do ký hợp đồng với văn phòng luật sư, còn khi thanh toán lại chuyển vào tài khoản cá nhân khiến khách hàng không thể quyết toán để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp được.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng quan điểm coi doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư không phải là chủ thể quan hệ pháp luật nói chung và việc quy định chỉ có cá nhân, pháp nhân mới được mở tài khoản thanh toán là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế và chưa phù hợp với quy định của BLDS năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Luật sư và pháp luật khác có liên quan, gây xáo trộn không cần thiết, tăng thêm chi phí cho xã hội, có thể ảnh hưởng không tốt cho sự tồn tại và tham gia của các thực thể không có tư cách pháp nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, gây nên sự thiếu đồng bộ trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ chức không có tư cách nhân (như ký kết hợp đồng, mở tài khoản, đăng ký giao dịch bảo đảm, xuất hóa đơn, khai báo chi phí để khấu trừ thu nhập chịu thuế…). Thời gian tới, Vụ sẽ hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/10.
Ngoài ra, bà Thanh nói thêm, Vụ còn nhận được nhiều băn khoăn phản ánh về cách hiểu về các vấn đề như đại diện, thời hạn tính lãi, thời điểm bắt đầu thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất (công chứng hay đăng ký), lãi suất, trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức, việc lập di chúc chung trong bối cảnh BLDS không còn quy định về di chúc chung vợ chồng, việc giữ giấy tờ phương tiện giao thông đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng… Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tích cực trả lời văn bản của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Vụ Pháp luật quốc tế…) trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể để tháo gỡ các băn khoăn trên, góp phần thống nhất việc hiểu và áp dụng BLDS.
Đối với công tác kiểm tra văn bản, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba chia sẻ, chưa có cơ sở khẳng định Thông tư 32, Thông tư 39 trên đây là trái pháp luật song quy định của hai Thông tư này chưa hợp lý. Căn cứ quy định tại các Điều 2-4 và Điều 101 BLDS năm 2015, theo ông Ba, nên hiểu các luật chuyên ngành đã quy định và thực tế tồn tại thì phải ghi nhận những chủ thể này.
Đồng tình, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, pháp luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư đều quy định doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư được quyền mở tài khoản thanh toán thì doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư vẫn là chủ thể quan hệ pháp luật. Đề cao mục tiêu là phải hiểu thống nhất về chủ thể quan hệ PLDS, Thứ trưởng Hiếu yêu cầu Vụ sớm hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ.