Khởi công 7 năm vẫn chờ... thu xếp vốn!
Cựu Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí tại một diễn đàn về phát triển hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hồi năm ngoái từng dẫn con số cả nước có 740km đường cao tốc, trong khi toàn khu vực ĐBSCL chỉ có chừng 60km đường loại này (tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Và mới đây, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cũng đã chứng minh sự chênh lệch về tỷ lệ của cải vật chất mà vùng này tạo ra với thực trạng hạ tầng của khu vực vào thời điểm hiện tại.
Bà Ry dẫn chứng: ĐBSCL hiện có khoảng 2,9 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa, 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, với 18 triệu dân của đồng bằng đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 45% sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản quốc gia... Tuy nhiên, câu chuyện tải trọng, giao thông vẫn là một bế tắc lớn do tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm, có vai trò động lực phát triển vùng vẫn còn quá chậm, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.
Được biết, dù đây là dự án trọng điểm, khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể nhìn thấy hình hài của nó trên thực địa. Việc này, không chỉ bà Hoa Ry mà ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tại diễn đàn Quốc hội cũng đã bày tỏ sự lo ngại, bởi đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều năm động thổ vẫn chưa làm được gì, đại biểu Thể khi đó cũng thể hiện sự băn khoăn về cách thức thu xếp vốn cho dự án theo hình thức BOT nói trên.
“Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến thời điểm này chưa làm gì, bây giờ Bộ GTVT giao tiếp cho Vietinbank, tôi e rằng cách làm hiện nay không biết tới lúc nào mới xong con đường này”, ông Thể nói tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Trao đổi với PLVN xung quanh vấn đề trên, ông Dương Hồ Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ GTVT) cũng thừa nhận, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được gì nhiều. “Hiện, các bên liên quan đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu và hoàn thiện khâu thu xếp vốn với các Ngân hàng BIDV, Vietinbank”, lời Phó “Tổng” Minh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (bìa trái) kiểm tra hiện trường Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Bao giờ cán đích?
Trong khi đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang quá trình đàm phán với nhà tài trợ vốn, thì đoạn kế tiếp Mỹ Thuận - Cần Thơ, cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với đoạn cao tốc này - Ban quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) mới đây cho hay, đơn vị đã cập nhật, hoàn chỉnh và trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tháng 8/2017, Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) và các cơ quan liên quan đã và đang xem xét thẩm định.
“Ban đã lập xong hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư. Dự kiến, hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 5/2018”, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long nói.
Liên quan thủ tục thẩm duyệt dự án cao tốc nói trên, ngày 19/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận với PLVN: “Dự kiến, đầu tuần tới, Bộ sẽ họp lấy ý kiến các cơ quan về Hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”.
Đoạn này theo dự kiến của Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ hoàn thành vào quý I/2021, với chiều dài gần 24km, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Còn đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ về đích khoảng trước năm 2020.
Như vậy, chí ít cũng phải trên dưới 4 năm nữa, con đường huyết mạch của cả vùng ĐBSCL mới có thể thông tuyến. Còn hiện tại, thì vẫn như lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể từng nói trước nghị trường, là đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ 150 km, nhưng vẫn phải “mất khoảng 3,5 tiếng đồng hồ, có nghĩa vận tốc khoảng 40km/giờ; đây là một con đường hết sức quá tải”.
Chọn nhà đầu tư Mỹ Thuận - Cần Thơ như chọn... “hoa hậu”
Đầu tháng 3/2016, sau khi Chính phủ có chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT và phương án hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương khi kết thúc thời gian thu phí hỗ trợ Dự án đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đã có khoảng 10 đơn vị với hàng chục doanh nghiệp đơn lẻ hoặc liên danh “rồng rắn” xếp hàng ở Bộ GTVT để đăng ký tham gia dự án này, như: Liên danh Phát Đạt + 620 + 168; Liên danh SOVICO + IMICO + PACIFIC + CIENCO 5; Liên danh Thái Sơn + Yên Khánh + CIENCO 1; Liên danh FECON + COTECCONS; Công ty CP Đầu tư kinh doanh Golf Long Thành; Công ty TNHH Nguyễn Phan; Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng và Năng lượng (liên danh với Công ty IL&FS - Ấn Độ); Tổng công ty Cửu Long; Tổng công ty Bạch Đằng.
Lúc bấy giờ, Bộ GTVT tuyên bố để trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp phải cùng lúc có 3 chỉ số đẹp, đó là: vốn chủ sở hữu phải đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của dự án; nhà đầu tư phải có cam kết của ngân hàng tài trợ vốn; nhà đầu tư được lựa chọn phải là những đơn vị đã tham gia các công trình giao thông tương tự.