Vụ xử tử cặp vợ chồng 'điệp viên' 60 năm gây tranh cãi

Julius và Ethel Rosenberg.
Julius và Ethel Rosenberg.
(PLVN) -Sau khi bị từ chối ân xá lần cuối, việc thi hành án đối với vợ chồng Rosenberg được ấn định vào lúc 20h cùng ngày tại nhà tù Sing Sing. Do luật sư của họ phản đối việc thi hành án vào Lễ Sabbath của người Do Thái nên thời gian tử hình đã được đẩy lên sớm hơn ba tiếng đồng hồ so với dự kiến.

Người chống, người bênh

Ngày 19/6/1953, 5000 người đã tham gia biểu tình ở Quảng trường liên đoàn, khiến cảnh sát thành phố New York, Mỹ phải phát đi báo động trên toàn thành phố. Tại thủ đô Washington, hàng nghìn người khác cũng đã tụ tập ở bên ngoài Nhà Trắng. Còn ở Paris của Pháp, 400 người đã bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. 

Mục tiêu của những đoàn biểu tình này là kêu gọi ân xá cho vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, hai tử tù bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô. Tuy nhiên, hy vọng sống sót cuối cùng của hai vợ chồng đã chấm dứt vào buổi sáng cùng ngày, khi Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower một lần nữa từ chối ân xá cho cả hai.

“Với việc khiến nguy cơ chiến tranh nguyên tử gia tăng nhiều lần, vợ chồng Rosenberg đã đẩy hàng chục triệu người trên thế giới vào cảnh đối mặt với tử thần”, Eisenhower nhấn mạnh khi lý giải về quyết định của mình.

Sau khi bị từ chối ân xá lần cuối, việc thi hành án đối với vợ chồng Rosenberg được ấn định vào lúc 20h cùng ngày tại nhà tù Sing Sing. Do luật sư của họ phản đối việc thi hành án vào Lễ Sabbath của người Do Thái nên thời gian tử hình đã được đẩy lên sớm hơn ba tiếng so với dự kiến.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hai tử tù sẽ phải trả án mà không kịp có thời gian để ăn bữa ăn cuối cùng trước khi chết. Thay vào đó, cả hai được đưa vào phòng thăm nom trong những giờ cuối cùng. Hôm đó là một ngày sau lễ kỷ niệm 14 năm ngày cưới của cặp vợ chồng.

Trước khi đưa cả hai vào phòng, FBI đã thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp từ phòng thăm nom tới trụ sở của cơ quan này ở New York với hy vọng trong những phút giây cuối cùng trước khi bị đưa lên ghế điện, cặp vợ chồng có thể nói với nhau những điều bí mật mà giới chức Mỹ đang tìm kiếm.

Nhưng, chuyện đó đã không xảy ra. Cả hai vợ chồng chỉ nhìn nhau và nói vài điều ngắn ngủi về cuộc sống. Sau đó, Julius là người đầu tiên bị đưa lên ghế điện. Ông tử vong chỉ sau ba phút. Ethel thì khó khăn hơn vì phải sau tổng cộng năm lần kích điện, nữ tử tù mới ngừng thở. 

Tại Quảng trường liên đoàn, đám đông lẳng lặng giải tán. Còn ở bên ngoài Nhà Trắng, những nhóm người phản đối vợ chồng Rosenberg đã trở nên đông đảo đến mức lấn át những người ủng hộ họ. Khắp những tuyến phố, nhiều lái xe nghe được thông tin trên đài phát thanh đã bấm còi inh ỏi.

Hoạt động gián điệp tinh vi?

Bốn năm trước vụ hành quyết, năm 1949, người Mỹ bàng hoàng trước thông tin Liên Xô đã thử thành công bom nguyên tử. Bằng nhiều cách, người Mỹ biết được rằng sở dĩ Liên Xô có được bước tiến đột phá đó là do những điệp viên hạt nhân đã đánh cắp những tài liệu tuyệt mật liên quan đến chương trình chế bom của nước này và tuồn cho Liên Xô. Nhờ đó mà Liên Xô đã rút ngắn được đáng kể thời gian nghiên cứu cũng như chi phí phát triển. 

Ngay lập tức, một cuộc điều tra toàn diện được giới chức Mỹ triển khai. Đến đầu năm 1950, Klaus Fuchs, một nhà khoa học nguyên tử người Anh gốc Đức, bị các điệp viên Anh bắt giữ. Khi bị thẩm vấn, người này thú nhận đã chuyển các tài liệu mà ông ta đã lấy được trong thời gian làm việc tại Dự án Manhattan của Mỹ và chuyển cho Liên Xô.

Từ Fuchs, FBI lần ra Harry Gold, một nhà hóa học ở Philadelphia. Ngày 22/5/1950, Gold thừa nhận là đầu mối chuyển tin của Fuchs và khai ra thêm một cái tên là David Greenglass, cựu quân nhân từng làm việc trong cơ sở hạt nhân của Mỹ ở New Mexico. 

Greenglass lại khai ra thêm hai cái tên nữa, đó là chị gái và anh rể của ông ta, chính là Julius Rosenberg và Ethel. Theo các tài liệu, Julius Rosenberg và vợ là Ethel đều là những người có tình cảm mạnh mẽ với Liên Xô. Về sau, họ tiếp tục lôi kéo thêm Greenglass tham gia. Giới chức Mỹ cho rằng Julius được tình báo Liên Xô tuyển mộ vào năm 1942. Kể từ đó, Julius đã tích cực hoạt động gián điệp cho Liên Xô. 

2 con trai của nhà Rosenberg.
2 con trai của nhà Rosenberg.

Trong cuốn tự truyện của một người từng được Julius Rosenberg tuyển mộ, người này tiết lộ Julius đã cung cấp cho Liên Xô hàng ngàn tập tài liệu mật, bao gồm những tài liệu như hệ thống kiểm soát tên lửa dẫn đường do cơ quan mà ông ta đang làm việc tiến hành nghiên cứu. 

Năm 1945, khi giới chức Mỹ phát hiện mối liên hệ giữa Julius với Liên Xô, ông ta bị sa thải. Do không còn tiếp cận được tài liệu mật nữa, Julius đã quyết định tìm tới những người khác để chiêu mộ, trong đó có Greenglass. Trong số những nhân vật nổi bật của đường dây gián điệp nguyên tử cho Liên Xô còn có Max Elitcher, một kỹ sư hải quân; và Morton Sobell, một kỹ sư về radar, bạn học cũ của Elitcher và Rosenberg. 

Từ lời khai của Greenglass, Julius Rosenberg bị bắt vào ngày 17/7/1950, còn Ethel Rosenberg được triệu tập để cho lời khai vào ngày 7/8 trước khi chính thức bị FBI bắt giữ ngày 11/8/1950. Đến ngày 17/8 cùng năm, cặp vợ chồng bị truy tố về tội hoạt động gián điệp.

Ngày 6/3/1951, phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg và các đồng phạm chính thức được mở ra. Greenglass khẳng định đã bị Julius lôi kéo tham gia vào hoạt động gián điệp. Từ tháng 1/1945, ông ta cho rằng lén ghi chép các tài liệu tiếp cận được và chuyển cho Julius để đổi lấy tiền. Những tài liệu mà ông ta đã gửi cho Julius bao gồm phác thảo các thí nghiệm, mô tả vật liệu được sử dụng để chế tạo bom, cấu trúc bom nguyên tử... của Mỹ.

Có tội hay vô tội?

Phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg đã thu hút sự chú ý của không chỉ dư luận Mỹ mà còn cả thế giới. Họ bị gắn cho biệt danh “tội ác thế kỷ”. Ngày 5/4/1951, cả hai bị kết tội và bị kết án tử hình, trở thành là những người Mỹ đầu tiên bị xử tử vì tội danh làm gián điệp. 

Sau khi bản án được tuyên, cả hai đã bảy lần kháng cáo nhưng đều bị bác bỏ. Họ cũng đã hai lần đệ đơn xin hai đời tổng thống của Mỹ ân xá nhưng cũng đều bị từ chối. Tại thời điểm phiên tòa đang diễn ra, một chiến dịch vận động kêu gọi giảm án cho vợ chồng Rosenberg cũng đã lan rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực để cứu bà Ethel đều vô ích. 

Gần nửa thế kỷ sau khi chị gái và anh rể bị tử hình, David Greenglass thú nhận ông ta đã đưa ra lời khai gian dối để cứu vợ khỏi nguy cơ bị truy tố chứ hoàn toàn không chắc chắn chị gái mình có tham gia vào hoạt động gián điệp hay không. Những tài liệu được giới chức Mỹ công bố gần đây cũng cho thấy Julius thực sự làm gián điệp cho Liên Xô nhưng bà Ethel có thể hoàn toàn vô tội. 

Một tài liệu của Mỹ được giải mật năm 1995 xác nhận Julius đúng là điệp viên của Liên Xô nhưng Ethel Rosenberg lẽ ra không đáng bị bắt giữ và bị kết án tử; bởi toàn bộ các tài liệu chỉ nhắc đến bà hai lần, trong đó một lần là về việc bà tham gia hoạt động chính trị và lần còn lại là việc bà biết được những hành vi của chồng nhưng không tố cáo. 

Năm 2008, một nhân vật trong đường dây gián điệp nổi tiếng tên Morton Sobell cũng khẳng định bà Ethel không liên quan đến vụ việc. “Bà ấy biết chồng đang làm gì nhưng tội duy nhất của bà ấy là là vợ của Julius”, Sobell nói.

Đến nay, hai người con trai của cặp vợ chồng trên là Robert và Michael, những người từng được đặt cho biệt danh “Những đứa trẻ mồ côi nổi tiếng nhất Chiến tranh Lạnh”, vẫn tích cực vận động đòi xét lại bản án của cha mẹ. 

Trả lời phỏng vấn truyền thông, người con cả Robert nói rằng những tiết lộ gần đây càng khiến ông tin rằng quyết định khởi tố mẹ ông là do giới chức Mỹ khi đó muốn gây áp lực để buộc cha ông nhận tội. Robert cũng cho rằng cha mẹ của ông lẽ ra không đáng bị kết án tử hình nhưng vẫn phải nhận bản án đó vì tâm lý chống cộng sản sôi sục ở Mỹ những năm diễn ra vụ án. 

Năm 2016, Robert và Michael gửi kiến nghị đề nghị Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama xét lại bản án đối với cha mẹ vốn bị tử hình hơn 60 năm trước. Nhưng kiến nghị này đã không được đáp ứng. Vì thế nên cả hai đến nay vẫn đang tích cực vận động đòi xem lại bản án của cha mẹ họ.

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Triệt phá nhiều vụ án lớn trong 5 ngày đầu cao điểm

Lào Cai: Triệt phá nhiều vụ án lớn trong 5 ngày đầu cao điểm

(PLVN) - Chủ động, quyết liệt triển khai Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sau 5 ngày đầu ra quân, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lào Cai đã có những kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Đọc thêm

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.