Vụ xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng: Có thể tăng cường kiểm lâm viên

Hiện trạng xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng. Ảnh: VOV
Hiện trạng xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng. Ảnh: VOV
(PLVN) - Sáng 24/12, tại cuộc họp báo thông tin về tình trạng xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, các ngành chức năng của tỉnh đã khẩn trương vào cuộc tiến hành điều tra và bước đầu xác định được những diện tích, số lượng cây rừng bị chặt phá.

 Chưa phát hiện được cá nhân, tổ chứcvi phạm

Tại cuộc họp báo, ông Lò Văn Tiến khẳng định, những thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng rừng đặc dụng Mường Phăng bị xâm hại trong thời gian qua là hoàn toàn chính xác. Tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ khu rừng này trong thời gian tới.

Trước mắt là sẽ yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, trách nhiệm của chủ rừng cũng như những cá nhân, tập thể có liên quan đến việc để xảy ra phá rừng đặc dụng Mường Phăng vừa qua. Đồng thời yêu cầu lực lượng kiểm lâm xem xét kỷ luật, thay kiểm lâm địa bàn và cân nhắc vào tình hình thực tế để tăng cường thêm kiểm lâm vào quản lý khu rừng đặc dụng này.

"UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý, xem xét trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các lực lượng chức năng đã để xảy ra phá rừng ở Mường Phăng"- ông Lò Văn Tiến cho biết.

Báo cáo tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải cho biết, qua quá trình kiểm tra, xác minh vụ việc từ ngày 15/11/2020 đến ngày 14/12/2020, tại các Tiểu khu 714, 708A, 708B, 709A thuộc khu vực rừng đặc dụng Mường Phăng do Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên) quản lý, bảo vệ, đoàn liên ngành của tỉnh Điện Biên đã phát hiện có tổng số 173 cây gỗ bị chặt hạ, cắt khúc, bị lấy mất phần thân chỉ còn phần ngọn.

Khối lượng gỗ còn tại khu vực đã kiểm tra là 20,766 m3, các loài cây chủ yếu là giẻ, vối thuốc, mắc khén, thanh mai và một số loại cây bản địa khác thuộc nhóm gỗ thông thường. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa phát hiện được cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tại xã Pá Khoang, rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 8, 9, 11 thuộc các Tiểu khu 714; khoảnh 5, 6 thuộc các Tiểu khu 708A, 708B. Tại xã Mường Phăng, khu vực xảy ra tình trạng rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 6, 8 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 6 thuộc Tiểu khu 708A; khoảnh 9 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 5 thuộc Tiểu khu 708B.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa là con số, kết quả cuối cùng, bởi công tác rà soát, kiểm tra, thống kê vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên bước đầu được xác định: Do có đông dân cư sinh sống xen kẽ trong lâm phận rừng đặc dụng đã giao cho Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý bảo vệ.

Hiện tại, dân cư của 2 xã Pá Khoang, Mường Phăng sống tại hơn 36 bản, có bản nằm trong rừng đặc dụng, kể cả vùng lõi. Điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn, nhận thức của người dân về quản lý bảo vệ rừng hạn chế; mặt khác, người dân có nhu cầu sử dụng gỗ vào mục đích gia dụng, làm nhà tại chỗ...

Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng còn buông lỏng quản lý, giám sát, thiếu trách nhiệm, chưa kiểm tra, giám sát kịp thời trong công tác giao khoán cho các tổ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng khai thác rừng trong thời gian dài mà không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố, Ủy ban nhân dân hai xã Mường Phăng, Pá Khoang thiếu chặt chẽ; thiếu tính chủ động, còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao.

Đang tiến hành làm rõ vụ việc

Trước những câu hỏi của phóng viên về xử lý vụ việc, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: hiện vụ việc đã được cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án, tuy nhiên vẫn đang là tài liệu mật nên sẽ công bố khi đầy đủ các chứng cứ cụ thể. Kiểm lâm tỉnh Điện Biên vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan  tiến hành làm rõ vụ việc.

"Chúng tôi đã chỉ đạo với hạt kiểm lâm TP báo cáo UBND TP Điện Biên Phủ thành lập các tổ nhóm bao gồm có: Ban Chỉ huy quân sự xã, Công an, cộng đồng thôn bản phối hợp để đi kiểm tra, xác minh các khu vực thuộc khu vực mình quản lý để phát hiện và đồng thời báo kiểm lâm và tổ công tác liên ngành để tổ chức kiểm tra xác minh điều tra ghi rõ các nội dung theo quy trình, lập hồ sơ đảm bảo theo quy định của pháp luật"- ông Hà Lương Hồng cho biết.

Trước đó, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu Sở  Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên& Môi trường, Công an tỉnh và UBND TP Điện Biên Phủ khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về việc “Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị rút ruột nghiêm trọng”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 31/12/2020.

Sáng 24/12, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho Tuổi trẻ biết, đơn vị vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên.

Ông Cường bị đình chỉ từ ngày 21/12 để làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra vi phạm khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng ban hành quyết định về việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra đột xuất việc thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng.

Đọc thêm

Những vụ hỏa hoạn gây rúng động Hà Nội

Hiện trường vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ.
(PLVN) - Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân, gây ám ảnh trong cộng đồng.

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 18 và ngày 19/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường yếu xuống phía Nam, gây gió mạnh trên các vùng biển. Trên đất liền, khu vực miền Bắc duy trì hình thái thời tiết đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ, ngày nắng.

Công an khuyến cáo biện pháp phòng cháy, nổ khi thắp hương tại nhà

Lực lượng PCCC nhắc nhở và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng.
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bóng đèn trên bàn thờ hoặc do khi thắp hương thờ cúng. Do đó,  Công an thành phố khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại gia đình.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.