Tức là bên này kiện bên kia lên tòa vì không chịu thực hiện phán xử của tòa. Vì thế cho nên ở đây mới có chuyện về có luật và có cả lệ mà cả luật lẫn lệ đều gần như không có được tác dụng gì.
Giữa hai nước này có chuyện tranh chấp chủ quyền đối với một dải đất nhỏ trên bờ và đối với vịnh Pira. Cả hai trước khi trở thành quốc gia độc lập ở châu Âu vốn đều là hai nước cộng hòa trong Liên bang Nam Tư. Thời ấy không có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các nước cộng hòa trong cùng liên bang.
Rồi Slovenia được thu nạp vào EU và NATO. Khi kết nạp Slovenia vào tổ chức, cả EU lẫn NATO đều không để ý gì đến cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này giữa Slovenia và Croatia. Khi vấn đề đặt ra đối với EU và NATO là kết nạp Slovenia và Croatia thì cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này trở thành chuyện lớn, nan giải và nhạy cảm.
Có "chân" trong EU và NATO, Slovenia có quyền phủ quyết nhiều quyết định của EU và NATO, trong đó có quyền chấp nhận hay phủ quyết việc EU và NATO kết nạp thêm thành viên mới. Dùng quyền này, Slovenia ngăn cản Croatia được đứng trong hàng ngũ của EU và NATO.
Lúc đầu, Slovenia đòi Croatia phải chấp nhận yêu cầu của Slovenia về chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực tranh chấp kia thì mới ưng thuận cho Croatia gia nhập EU và NATO. Về sau, EU tìm ra phương thức là để cho tòa án quốc tế của LHQ phân xử và cả Slovenia lẫn Croatia cam kết tuân thủ mọi phán xử của tòa này. Nhờ đó, Croatia đã được gia nhập EU và NATO - trước khi tòa tiến hành phân xử và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ở đây có cái lệ bất thành văn trong EU và NATO là một khi đã cùng đứng trong hai tổ chức này thì không còn có thể tiếp tục duy trì những tranh chấp pháp lý về biên giới lãnh thổ nữa, phải tuân thủ cam kết và phải chịu sự tiết chế chung của tổ chức. Cái quyền phủ quyết trong tổ chức cũng ẩn chưa ngay trong nó cái lệ là sử dụng quyền này vì lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung. Giữa Hy Lạp và Macedonia từ lâu nay cũng có chuyện tương tự.
Thật ra, luật và lệ đều được tôn trọng và tuân thủ nếu không xảy ra chuyện phía Croatia phát hiện thấy thành viên trong hội đồng xét xử của tòa án quốc tế của LHQ “đi đêm” với phía Slovenia. Croatia tuyên bố rút khỏi phiên tòa này.
Về phương diện luật pháp quốc tế, quyết định này của Slovenia không sai. Tòa án quốc tế của LHQ bất chấp tuyên bố rút của Croatia, thay thế thành viên kia, tiếp tục xét xử và đưa ra phán xử mà ai ai cũng đều thấy có lợi nhiều hơn, thậm chí lợi hơn rất nhiều cho Slovenia. Phía Croatia không công nhận, không chấp nhận và không thực hiện trên thực tế. Tòa xử theo luật và trong EU và NATO có lệ nhưng tất cả đều không có tác dụng trong câu chuyện này như thế đấy.
Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Có luật và có lệ nhưng nếu cả luật lẫn lệ đều bất cập thì chúng không thể có được tác dụng như lẽ ra phải có hoặc nếu có thì chắc chắn cũng chẳng thể được lâu bền. Có luật và có lệ thật đấy nhưng việc vận dụng luật không thật sự minh bạch và đàng hòang cũng như lệ bị lợi dụng và lạm dụng nhiều hơn là được vận dụng thì cái kết cục có luật và có lệ mà vẫn như không nhiều khi không những không thể tránh khỏi mà còn rất logic nữa.
Tòa xử như thế nào đây và trước hết tòa còn xử làm gì khi phán xử của tòa chỉ tồn tại trên danh nghĩa chứ không được thực thi trên thực tế và dẫu có phán xử kiểu gì thì cũng sẽ chẳng thể được cả hai phía chấp nhận.