Sau khi xét xử dư luận đã đặt câu hỏi: Việc truy tố của Viện Kiểm sát có phải quá nghiêm khắc? Mức án HĐXX tuyên phạt hai bị cáo là sự áp dụng pháp luật cứng nhắc? Để phần nào đáp ứng được những câu hỏi của dư luận, Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND Tp.HCM đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên.
Phóng viên: Sau phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức xét xử bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Cướp giật tài sản” thì dư luận có nhiều quan điểm không đồng tình về mức án tuyên cho hai bị cáo này, TAND thành phố có nắm bắt được thông tin này không, thưa ông?
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh: Vừa qua TAND quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh có xử vụ án Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 136, BLHS. Thông tin báo chí cũng như một số chuyên gia pháp lý và dư luận quần chúng cho rằng việc TAND quận Thủ Đức tuyên hình phạt bị cáo Tân 8 tháng 20 ngày, bằng với thời gian tạm giam; tuyên bị cáo Tuấn là 10 tháng, xử như thế là quá nặng, quá nghiêm khắc. Nhưng cũng có dư luận cho rằng xử như vậy là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. TAND TP. Hồ Chí Minh cũng đang xem xét lại vì sao lại có dư luận như thế.
Phóng viên: Vậy quan điểm của ông về vụ án này như thế nào?
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh: Qua nắm bắt nội dung diễn biến vụ án và quá trình xét xử thì thấy rằng: tại phiên tòa, các bị cáo đều nhận tội và cũng thấy được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Hồ sơ vụ án thể hiện hai bị cáo này đã đi chơi game trong tiệm internet từ 22 giờ đêm hôm trước cho đến 10 giờ sáng hôm sau thì về. Hai bị cáo rủ nhau vào tiệm tạp hóa để mua bánh mỳ, nhưng không có tiền nên đã thực hiện ý đồ cướp giật. Nếu căn cứ vào trị giá tài sản mà bị cáo chiếm đoạt là mấy ổ bánh mỳ, tương đương với 45.000 đồng, thì thấy rằng hình phạt là tương đối nghiêm khắc.
Nhưng xâu chuỗi lại toàn bộ vụ án thì thấy: đầu tiên là Viện kiểm sát trên cơ sở Kết luận điều tra đã truy tố các bị cáo về tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 2, Điều 136, BLHS. Viện kiểm sát truy tố ở khoản này với lý do là các bị cáo đã dùng phương tiện xe máy để đi cướp giật, đây là hành vi nguy hiểm nên tình tiết này VKS truy tố ở khoản 2, Điều 136, BLHS cũng có lý.
Tuy nhiên, sau khi TAND quận Thủ Đức thụ lý hồ sơ và cân nhắc thì thấy việc bị cáo Tuấn đi vào trong tiệm tạp hóa giật tài sản xong rồi mới lên xe máy bỏ chạy, thì không nằm ở trong khoản quy định dùng phương tiện nguy hiểm để phạm tội, mà chỉ là phạm tội bình thường. Mặc dù khoản 1, Điều 136, BLHS không quy định phải định giá tài sản là bao nhiêu thì mới cấu thành tội phạm, và tội cướp giật thì không xác định trị giá tài sản cướp được.
Xét thấy Viện KSND truy tố hai bị cáo phạm tội cướp giật là có căn cứ, tuy nhiên truy tố theo khoản 2, Điều 136, BLHS là chưa chính xác. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc, HĐXX TAND quận Thủ Đức tuyên phạt bị cáo ở khoản 1, Điều 136, BLHS là phù hợp.
Phóng viên: Khi giải quyết vụ án, TAND quận Thủ Đức đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Tân có đúng các quy định của pháp luật, thưa ông?
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh: Thời gian bị cáo Tân bị cơ quan điều tra tạm giam, qua xem xét cân nhắc vào thời điểm đó, TAND quận Thủ Đức đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thêm một số vấn đề để làm rõ các bị cáo có sử dụng phương tiện để cướp giật hay không, hay chỉ là dùng phương tiện chạy trốn. Đây là vấn đề quan trọng, đồng thời TAND quận Thủ Đức cũng đã chủ động thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng việc trả tự do cho bị cáo Ôn Thành Tân. Bởi vì xét thấy tính chất vụ việc này, mức độ như thế này mà đã giam giữ Tân 8 tháng 20 ngày là quá cao, cho nên TAND quận Thủ Đức đã chủ động thay đổi biện pháp ngăn chặn và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Ôn Thành Tân.
Còn riêng đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn thì lúc đó đang có lệnh truy nã của Công an huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trong một vụ án trộm cắp tài sản gồm 4 bị cáo và bị cáo Tuấn phạm tội rồi bỏ trốn khỏi Củ Chi. Khi có lệnh truy nã, bị cáo Tuấn lại trốn sang quận Thủ Đức phạm tội cướp giật tài sản. Chính vì vậy, TAND quận Thủ Đức đã không thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn.
Tuy nhiên khi xét xử, HĐXX thấy thời gian tạm giam của bị cáo Tân là tương đối dài nên tuyên bản án đúng bằng thời gian tạm giam của bị cáo. Tuyên án như vậy có đúng hay không cần phải thận trọng xem xét để đảm bảo quyền lợi của bị cáo.
Phóng viên: Dư luận báo chí không đồng tình và đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử vụ án này, quan điểm của Thẩm phán thế nào, thưa ông?
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh: Thông qua dư luận và báo chí cũng như xem xét hồ sơ, quan điểm của tôi thấy rằng dù bị cáo phạm tội theo khoản 1, Điều 136, BLHS mà tạm giam bị cáo như thế cũng là quá lâu. Nếu theo Bộ luật TTHS mới (năm 2015) thì những trường hợp này không cần tạm giam. Cho nên cái này cũng phải rút kinh nghiệm lại với các cơ quan tố tụng trong đó có Tòa án quận Thủ Đức.
Đặc biệt khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chúng ta không nên xử theo tình trạng bị cáo bị giam giữ bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày thì HĐXX tuyên án đúng thời gian bị tạm giam như thế. Nói cách khác, các Thẩm phán khi xét xử phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chánh án TANDTC đã quán triệt nhiều lần trong các buổi làm việc và giao ban công tác trong hệ thống TAND, đó là khi xét xử phải căn cứ vào hành vi phạm tội, căn cứ vào tính chất của tội phạm, căn cứ vào hậu quả xảy ra, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết khác để xét xử và áp dụng hình phạt cho tương xứng. Chứ còn việc trước đây bị cáo bị giam nhiều hay giam ít, giam đúng hay giam sai là một câu chuyện, không thể lấy đó làm căn cứ để HĐXX tuyên án. Làm như vậy không đúng tinh thần Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND.
Phóng viên: Theo ông, TAND quận Thủ Đức nói riêng và TAND các địa phương phải rút kinh nghiệm như thế nào trong thực thi công vụ?
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh: Theo tôi, TAND quận Thủ Đức đã cố gắng làm tròn trách nhiệm và thực tế đã áp dụng đúng pháp luật trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, từ đó đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Ôn Thành Tân. Đặc biệt, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã cân nhắc và áp dụng khoản 1, Điều 136 BLHS là đúng; tuy nhiên Thẩm phán chưa căn cứ vào tính chất của tội phạm, hậu quả xảy ra… nên bản án tuyên cho bị cáo có phần nặng nề như dư luận đã phản ánh.
Chính vì vậy chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Khi xét xử, các Thẩm phán phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả và nhân thân của bị cáo để áp dụng biện pháp, hình phạt cho phù hợp, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo pháp chế XHCN như Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TPHCM: “Bản án ngoài việc đảm bảo tính trừng phạt, răn đe giáo dục còn cần có tính nhân đạo, hợp với lòng người”
Trước hết, về mặt pháp lý, tôi cho rằng việc VKS truy tố các bị can là hoàn toàn có căn cứ theo quy định pháp luật.
Bởi lẽ, tội cướp giật tài sản là tội phạm cấu thành về mặt hình thức. Trong trường hợp này, tội phạm đã hoàn thành, việc tài sản bị cướp có giá trị bao nhiêu chỉ là tình tiết để định khung hình phạt. Có vụ án, bị cáo cướp một cái túi xách cũ bên trong chỉ có 14.000 đồng nhưng vẫn bị đưa ra xét xử .
Ở vụ án này trước khi khi thực hiện hành vi cướp giật, hai bị can có sự bàn bạc, đã sử dụng xe gắn máy khi bỏ chạy là sử dụng thủ đoạn nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn. Điều này đã được quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm”.
Ngoài ra, bị can Tuấn trong vụ án này đang trốn lệnh truy nã của cơ quan công an. Mặc dù Tuấn mới bị truy nã chứ chưa bị đưa ra xét xử, chưa bị kết tội về tội trộm cắp, chưa bị coi là có tiền án nhưng đây cũng là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy truy tố và xét xử Tuấn và Tân là cần thiết.
Chúng ta cần có cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, tránh tình trạng vì cảm xúc chủ quan mà tạo ra áp lực dư luận rằng chỉ cướp giật tài sản có giá trị nhỏ mà cũng bị truy tố, xét xử. Không thể bao biện vì đói mà có thể dung túng cho hành vi trộm hoặc cướp.
Tuy nhiên, một bản án ngoài việc đảm bảo tính trừng phạt, tính răn đe giáo dục bị cáo thì còn cần có tính nhân đạo, hợp với lòng người. Trong vụ án này, khi xét xử, HĐXX nên xem xét, vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, như giá trị tài sản chiếm đoạt không lớn, nguyên nhân và động cơ phạm tội là do các bị cáo bị đói v.v...để xem xét và tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và hợp lòng người.