Vừa là bị đơn vừa đại diện phía nguyên đơn
Trước đó, vào cuối năm 2020, vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS Việt Nam (Công ty TDS) với người đại diện là bà Trần Kim Phương và bị đơn là Trường THCS và THPT Newton (Trường Newton) với người đại diện là bà Lê Thị Bích Dung, được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm do Bản án sơ thẩm số 27/KDTM-ST của TAND quận Bắc Từ Liêm bị kháng cáo.
Đáng chú ý, ở vụ án này, bà Dung mặc dù là người đại diện của bị đơn nhưng đồng thời bà cũng là 1 trong 3 người đại diện theo pháp luật của phía nguyên đơn là Cty DTS (Công ty DTS có 3 người đại diện theo pháp luật là các bà Trần Kim Phương, Lê Thị Bích Dung và bà Nguyễn Thị Minh Tín).
Trong khi bà Phương là đại diện phía nguyên đơn trong vụ án nhưng đồng thời bà cũng là Giám đốc Công ty Khai Phát, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Còn bà Phương với tư cách cá nhân là người có cổ phần trong Công ty DTS thì không được tòa đưa vào tham gia tố tụng với lý do là “quyền lợi của bà không bị ảnh hưởng và vẫn bảo đảm”.
Đối với phần tài sản là diện tích 2896,3m2 và tòa nhà 6 tầng xây dựng tại lô TH1, đây là diện tích nằm trong tổng diện tích 14.958 m2 mà UBND TP Hà Nội giao cho Công ty DTS thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Theo phân chia của Đại hội cổ đông vào năm 2016, phần diện tích này thuộc quyền quản lý của nhóm bà Phương (gồm 3 người, trong đó có bà Phương).
Trường Pascal là bên thuê lại một phần tòa nhà 6 tầng và các thiết bị thuộc quyền quản lý của nhóm bà Phương.
Những hệ quả pháp lý khó lường
Theo tìm hiểu của PV, sau khi Bản án số 215/2020/KDTM-PT có hiệu lực pháp luật, việc thực hiện thi hành án (THA) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo diễn ra, mà nguyên nhân chính là xuất phát từ những quyết định tuyên không rõ ràng trong bản án. Nguồn tin của PLVN cho thấy, để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Cục THADS TP Hà Nội đã từng phải tổ chức họp liên ngành lấy ý kiến để tìm sự thống nhất trong hướng giải quyết vụ việc.
Trong một văn bản phát đi vào hồi cuối tháng 4/2021 gửi Tổng cục THADS, Cục THADS Hà Nội đưa ra một số đánh giá về nội dung được cho là không rõ ràng, gây hiểu lầm trong Bản án 215/2020/KDTM-PT của TAND TP Hà Nội.
Theo Cục THADS Hà Nội, tại Bản án số 215/2020/KDTM-PT có nội dung: “Trường Newton phải thanh toán trả Công ty TDS và Công ty Khai Phát số tiền 14,237 tỷ đồng…” nhưng không nêu rõ phần cụ thể của Công ty TDS và Công ty Khai Phát là bao nhiêu? Ai là người đại diện cho Công ty TDS nhận? Trong khi, Công ty TDS có 3 người đại diện theo pháp luật như nói trên.
Hơn nữa, sau khi được UBND TP Hà Nội giao đất, Công ty TDS đã Đại hội cổ đông để phân chia quyền quản lý toàn bộ khu đất dự án. Theo đó, lô đất NT và TH1 thuộc nhóm bà Phương quản lý, lô đất TH2 thuộc nhóm bà Dung quản lý. Hai nhóm này có quyền lợi độc lập và có con dấu khác nhau.
Cũng theo Cục THADS Hà Nội, Quyết định (QĐ) của bản án tuyên cũng không rõ “các trang thiết bị trường học đã đầu tư tại ½ tòa nhà tại lô TH1 Khu đô thị mới Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm do Trường Pascal đang quản lý” và “các trang thiết bị đã đầu tư tại diện tích nhà này do Trường Pascal đang quản lý” có phải là một hay không? Nếu là một thì Tòa án đã tuyên 2 lần dẫn đến Chi cục trưởng THADS Bắc Từ Liêm ra 2 QĐ THADS cùng thi hành 1 khoản.
Mặt khác, Tòa án cũng không nêu rõ các trang thiết bị cụ thể gồm những gì? Số lượng mỗi loại bao nhiêu?
“Đối với các khoản do Trường Newton là người được THA thì QĐ của bản án đều không xác định rõ người phải THADS và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, dẫn đến việc các QĐ THADS do Chi cục trưởng quận Bắc Từ Liêm cũng không xác định rõ người được THADS, người phải THADS…nên họ không được nhận QĐ THADS, không được quyền khiếu nại, không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình” - cơ quan này nhận định.
Liên quan đến diện tích 2896,3m2 và tòa nhà 6 tầng xây dựng tại lô TH1, Cục THADS Hà Nội cũng có quan điểm: Trường Pascal ký HĐ thuê cơ sở vật chất với Công ty Khai Phát để hoạt động tại Tòa nhà 6 tầng thuộc lô TH1, sau đó đã chuyển về lô TH2 từ trước khi xét xử sơ thẩm. Diện tích đất và tài sản trên đất này không do Trường Pascal quản lý từ trước khi xét xử sơ thẩm nhưng bản án vẫn tuyên “do Trường Pascal đang quản lý” dẫn đến Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm ban hành QĐ cưỡng chế THADS, Thông báo THADS các nội dung này sai đối tượng là đối với Trường Pascal.
Bản án số 215/2020/KDTM-PT cũng có nội dung: “Để đảm bảo trật tự và sự ổn định trong hoạt động giáo dục của Trường Newton tại lô TH1 theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Hà Nội cấp ngày 3/8/2011”.
Qua xem xét, Cục THADS thấy rằng, Theo Giấy chứng nhận đầu tư ngày 3/8/2011, UBND TP Hà Nội không cấp cho Trường Newton mà chấp thuận cho Công ty TDS triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các ô đất, trong đó có ô TH1.
Từ lý do này, Cục THADS Hà Nội băn khoăn: Việc chuyển nhượng 13,09% cổ phần của bà Phương tại Công ty DTS lại quy tương ứng với 3.600m2 đất liệu có đúng với quy định của pháp luật để được chấp nhận để cho Trường Newton được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất… theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa cá nhân bà Phương và bà Dung được không?
“Việc giải quyết không đúng quan hệ, quy định pháp luật sẽ gây chống đối quyết liệt, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn TP khi tổ chức THA”- Cục THADS Hà Nội cảnh báo.
Cần kiến nghị giám đốc thẩm Được biết, liên quan tới vụ việc này, TAND Tối cao cũng đã xác nhận việc thụ lý đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm Bản án số 215/2020/KDTM-PT của bà Trần Kim Phương. Phía Cục THADS Hà Nội cũng đã yêu cầu Chi cục trưởng THADS quận Bắc Từ Liêm có văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền giải thích những nội dung mà Tòa án tuyên không rõ và phía Tòa án TP Hà Nội bước đầu cũng đã có một số văn bản giải thích. Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục THADS Hà Nội, những nội dung của Bản án mà Tòa không giải thích được hoặc thuộc trường hợp không được giải thích thì cần phải kiến nghị theo trình tự giám đốc thẩm tới TAND Cấp cao, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội theo thẩm quyền, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.