Vụ án quan chức Đồng Nai chiếm đoạt hàng trăm ha đất khai hoang: Hành trình khiếu nại tố cáo 30 năm vẫn chưa dứt

(PLO) - Đến bây giờ, bà Tưởng không còn nhớ mình đã đội bao nhiêu ký đơn trên đầu ra Bắc vào Nam đòi đất, gửi bao nhiêu ký đơn đến các cơ quan chức năng. Gần chục quan chức xã huyện vào tù vì đã chiếm đất của dân. Tuy nhiên, việc khắc phục thiệt hại thế nào thì không hề có kết quả. 

Tất cả đơn từ của bà đều được huyện, tỉnh trả lời một “điệp khúc”: “Bà Lê Thị Tưởng khiếu nại là không có căn cứ giải quyết”. Mặc dù, trong các quyết định trả lời đơn của bà, cả tỉnh và huyện đều thừa nhận bà Tưởng có hai phần đất nêu trên.

Sau nửa đời người ôm đơn ra Bắc vào Nam, hết khiếu nại rồi tố cáo, bà Lê Thị Tưởng (phường Trảng Dài, TP Biên Hoà, Đồng Nai) trở thành kẻ vô gia cư, nhà cửa bán dần để rải đường. Bao năm khổ cực nhưng quyết tâm “đi kiện cho ra lẽ phải” trong bà chưa hề nao núng, bất chấp việc hai lần bị xe tải trên đường đâm phải trong hành trình kiện tụng ngược xuôi.

Bà Lê Thị Tưởng
Bà Lê Thị Tưởng

Quá khứ đổi sinh mạng lấy đất khai hoang

Như hơn 800 hộ dân khác ở Quảng Trị, cuối năm 1975, anh chị em bà Tưởng theo cha mẹ đi kinh tế mới vô huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Rừng thiêng nước độc, đói ăn khát uống và căn bệnh sốt rét đã cướp đi bao mạng người trong hành trình khai hoang buổi ấy. Đến giờ, tuy chưa có con số thống kê chính xác về người chết vì sốt rét, bệnh tật, nhưng để có mảnh đất như hôm nay, họ nằm xuống thành một nghĩa trang “kinh tế mới”. Không ít gia đình mất hai, ba người vì sốt rét rừng. 

Nhớ lại những ngày ấy, trong câu chuyện kể bây giờ của bà Tưởng vẫn ám ảnh những biến cố. Ông Hoàng Minh bị vắt chui vào đường tiết niệu, mấy tháng sau phải cắt bỏ dương vật vì hoại tử. Một thời gian sau thấy đau đớn trong nội tạng, bụng to dần lên, khi phẫu thuật mới hay lũ vắt đã sinh sản đầy trong hai quả thận của ông. Ông Minh qua đời chưa được bao lâu thì người anh trai ông là Hoàng Ngọc tử vong vì bệnh. 

Rồi chuyện ông Nguyễn Văn Liêm bị cây đè, người ta đặt ông lên võng khiêng đi gần mười cây số mới ra tới trạm y tế xã. Từ trạm y tế xã, đợi đến chiều mới có một chuyến xe đò, chiếc xe chạy bằng than đá lê lết trên con đường đất đỏ, đến Trảng Bom thì ông Liêm tắt thở. 

Nỗi kinh hoàng nhất của người dân khai hoang là sốt rét. Mỗi lần có bệnh nhân lên cơn, người thân hoặc láng giềng khiêng đi bằng võng hàng chục cây số ra trạm y tế xã, có khi khiêng đi nửa đường thì phải quay về vì bệnh nhân đã chết. Gia đình bà Ngô Thị Con dẫn tám người con vào đây khai phá, ba người con trai đã nằm lại rừng vì sốt rét ác tính.

Chồng bà Tưởng, ông Nguyễn Quang Hưng, cũng qua đời vì sốt rét, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con gái. Vài tháng sau, một trận cháy rừng đã thiêu trụi căn nhà của ba mẹ con. Chồng chết, nhà cháy, tay trắng, bà phải ẵm hai đứa con đi tá túc bên nhà người chị ruột.

Cũng chính lúc ấy, năm 1983, một biến cố nữa xảy ra làm xôn xao vùng kinh tế mới: Tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm giao 480 hecta, những dải đất đã khai hoang mà dân kinh tế mới đã đổi bằng máu, mạng sống mới có được, cho Ban quản lý công trình Thuỷ điện Trị An. Một phần làm nhà máy, phần còn lại 290 hecta làm kho bãi tập kết vật tư, nhà xưởng, lán trại để phục vụ cho công trình. Nỗi oan khuất của bà, cũng như hàng trăm thân phận khác cũng bắt đầu từ đây.

Quyết đi tìm lẽ phải

Trở lại những ngày đầu khai hoang, lúc đó tất cả phải vô tập đoàn, đồng nghĩa với việc đất canh tác là của chung. Tuy vậy, các gia đình cũng tranh thủ khai phá thêm, được gọi là “kinh tế phụ”. Bà Tưởng có được hơn 1 hecta loại đất này, ngày làm tập đoàn, đêm cuốc đất nhà, trồng thêm lúa, sắn, khoai chống đói. Khi lấy chồng, vì người chồng làm bưu tá nên được xã cấp cho mảnh đất ở 3.200m2. Vợ chồng dựng nhà, sinh con trên mảnh đất ấy cho đến khi xảy ra đại hoạ chồng chết, nhà cháy.

Dự án thuỷ điện về, hàng trăm nóc nhà vừa an cư được mấy năm nay lại phải di dời để nhường đất cho thuỷ điện. Lúc đó, ai cũng coi đây là nghĩa vụ trước một công trình vĩ đại của quốc gia. Trị An thời bấy giờ như một tiếng gọi thiêng liêng, như mệnh lệnh, cả nước hướng về Trị An, tất cả cho Trị An… Vì thế, những người dân kinh tế mới dù bị mất đất, kiếm nghề khác sinh nhai từ rừng hay phải đi làm thuê, bán vé số sống qua ngày nhưng trong lòng họ vẫn còn chút an ủi là mình đã đóng góp một phần cho dòng điện Trị An.

Bà Tưởng còn nhớ mãi cái ngày người ta cho xe ủi lấp đất kín toàn bộ hơn một hecta đất của mình. Ừ thì phải hi sinh để phục vụ lợi ích quốc gia, nhưng nhìn những ruộng lúa bắt đầu uốn câu, chỉ chừng nửa tháng nữa là gặt, bà thấy quặn đau trong lòng. Giữa lúc cái đói bao vây, hạt thóc, củ khoai quý như vàng, ăn còn phải chia dè xẻn, nhưng bà xin muộn mấy ngày để gặt non đám lúa mà không được, công trình họ không chờ. 

Thủy điện xây xong, nhưng hơn một hecta đất canh tác lẫn 3.200m2 đất ở không trở lại với mẹ con bà. Hàng trăm hecta đất – máu và nước mắt của dân khai hoang - bị các quan chức từ xã đến tỉnh chia nhau bao chiếm làm của riêng, phân phát cho người nhà.  

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đồng Nai, trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2002 các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Vĩnh Cửu đã cấp đất trái phép cho 539 trường hợp với tổng diện tích 115.423,8m2. Trong quá trình sử dụng, các cá nhân đã tự lấn chiếm đất công với tổng diện tích 253.707,4m2. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Ngọc Chiến - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An đăng ký sử dụng 14.025m2 nhưng thực tế chỉ được cấp 108m2 đất ở và 4.000m2 đất mượn của UBND huyện. Ngoài ra còn nhiều trường hợp cấp đất sai thẩm quyền, lấn chiếm và sang nhượng trái phép nhưng vẫn được chính quyền địa phương hợp thức hoá...

Đến bây giờ, bà Tưởng không còn nhớ mình đã đội bao nhiêu ký đơn trên đầu ra Bắc vào Nam đòi đất, gửi bao nhiêu ký đơn đến các cơ quan chức năng. Gần chục quan chức xã huyện vào tù vì đã chiếm đất của dân. Tuy nhiên việc khắc phục thiệt hại thế nào thì không hề có kết quả. Tất cả đơn từ của bà đều được huyện, tỉnh trả lời một “điệp khúc”: “Bà Lê Thị Tưởng khiếu nại là không có căn cứ giải quyết”. Mặc dù, trong các quyết định trả lời đơn của bà, cả tỉnh và huyện đều thừa nhận bà Tưởng có hai phần đất nêu trên.

Với bà Tưởng, sau hơn 30 năm đòi đất, mái tóc đã điểm bạc, nhưng mỗi khi nhắc đến những mảnh đất, thứ mà bao kiếp người trong gia đình bà phải đổ máu, đánh đổi bằng cái chết mới có được, đôi mắt bà lại quắc lên: “Cho dù có phải chết, tôi cũng đi tìm cho ra lẽ phải”.

Đọc thêm

Lái xe vi phạm nồng độ cồn “thông chốt” kiểm tra tại Hạ Long

Lái xe và phương tiện vi phạm tại Hạ Long.
(PLVN) -Đêm 18/4, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTĐB) số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao lái xe Sú Văn Đông sinh năm 1988 và các đối tượng liên quan tới Công an TP Hạ Long để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm
(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.