Sau hai ngày xét xử, chiều 28/2, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án “Con giết mẹ” ở tỉnh Vĩnh Long đã kết thúc trong không khí “nóng rực”, khi TAND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục kết tội trong sự kêu oan, chống án của bị cáo.
Bị cáo Quyên và Tám tại phiên tòa sơ thẩm lần 2. |
“Nhận tội theo mớm cung!”
Trong ngày xét xử đầu tiên, vợ chồng bị cáo Quyên, Tám liên tục kêu oan, cho rằng mình không giết, phi tang xác mẹ. Đặc biệt, các bị cáo “tố” bị Cơ quan Điều tra (CQĐT) ép cung, mớm cung, làm theo “kịch bản” của cán bộ điều tra. Cụ thể, bị cáo Lê Thị Tám khai: “Tôi bị cán bộ điều tra dụ dỗ rằng, chỗ tình nghĩa, quen biết với anh trai tôi nên bảo tôi khai nhận tội sẽ được cho về để kêu oan và chăm sóc các con.
Luật sư bào chữa cho hai bị cáo đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo vô tội; đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự đối với các nhân chứng vì đã có lời khai không trung thực và những người có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án; kiến nghị CQĐT, Viện kiểm sát đảm bảo sức khỏe cho hai vợ chồng trong giai đoạn tạm giam... |
Do đó, tôi viết tờ thú tội theo kịch bản có sẵn của cán bộ Tâm”. Còn bị cáo Huỳnh Văn Quyên một mực cho rằng tờ thú tội là làm theo “kịch bản” của cán bộ điều tra. Vì nếu không sẽ bị bắt đứng quay mặt vào tường, bị đánh.
Nghe vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi bị cáo Quyên có bằng chứng gì về việc bị đánh không? Bị cáo này nói trong hoàn cảnh đó, không thể chịu đựng nổi, chỉ biết làm theo ý cán bộ điều tra, đợi ra Tòa có điều kiện kêu oan.
Tại phiên tòa, lời khai của các nhân chứng về cái chết của bà Dương Thị Tám vẫn chưa rõ ràng, không đủ sức thuyết phục. Đặc biệt, không nhân chứng nào tận mắt thấy chính xác việc vợ chồng bị cáo Quyên giết hoặc khiêng, phi tang xác bà Dương Thị Tám.
Nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án này là Trần Thị Ngọc Yến thì khai rằng: Trong lúc đi ăn cắp bưởi về làm thuốc, tại hàng rào trước nhà Quyên, bà thấy vợ chồng bị cáo khiêng vật gì dài dài, oằn nặng ở giữa nhưng không rõ, không biết là gì xuống bến sông. HĐXX hỏi: “Tại CQĐT, lần đầu thấy một người, lần sau hai người, vì sao có việc khai bất nhất như vậy?”.
Bà Yến trả lời: “Vì lần đầu giấu bả (bị cáo Tám), sau đó nghe con Trâm (con gái vợ chồng bị cáo Quyên, Tám) nói với bà Hai Bành rằng tui có một câu nói hoài, mai mốt nhân chứng với công an vô tù ở, tui tức quá nên khai luôn”.
Không chỉ vậy, những lời khai khác của bà Yến về địa điểm nhìn thấy vợ chồng bị cáo Quyên khiêng xác bá Tám, màu áo của bị cáo Quyên… cũng mâu thuẫn với những lời khai trước đó tại CQĐT và tại phiên xử phúc thẩm trước đây.
Nhiều sai phạm về tố tụng
Điều đáng nói là tại phiên tòa lần này xuất hiện thêm nhân chứng mới là ông Dương Quang Phuông (SN 1965, ngụ tại địa phương). Ông Phuông khai rằng: Vào khoảng 3 giờ 30 sáng 7/2/2007, trên đường đi soi ếch về bằng xuồng, ông nhìn thấy vợ chồng Quyên, Tám bơi xuồng theo chiều ngược lại nhưng không thấy gì trên xuồng, không biết chở thứ gì.
Tuy nhiên, ông Phuông lúc thì khai nhận thấy rõ vợ chồng Quyên, Tám trong khoảng cách khoảng 20m, lúc thì khoảng 3 - 4m. HĐXX hỏi vì sao đến bây giờ, sau khi vụ án bị trả hồ sơ, điều tra xét xử lại mới ra làm nhân chứng, ông Phuông lúc đầu khai rằng vì thấy khi đó đã có người làm chứng rồi; sau đó lại khai là sợ mất tình bà con lối xóm?!.
Còn HĐXX thì nhận định: Hành vi của bị cáo Quyên mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an, dư luận xấu trong xã hội, người bị cáo sát hại là mẹ ruột cho thấy bản chất của bị cáo nguy hiểm.
Bị cáo Tám phạm tội cũng mang tính nguy hiểm, nhưng xét thấy bị cáo phạm tội do muốn bảo vệ chồng; chồng của bị cáo cũng bị xét xử trong cùng vụ án nên cần giảm một phần mức án đối với bị cáo. Từ đó, HĐXX tuyên bị cáo Quyên tù chung thân về tội “Giết người”, bị cáo Tám 4 năm 4 tháng 7 ngày tù - bằng thời hạn bị tạm giam về tội “Che giấu tội phạm”.
Bào chữa cho các bị cáo, Luật sư Trương Đình Tùng chỉ ra nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng tố tụng: Các bản khai nhận tội của bị cáo Quyên, Tám không thống nhất nhưng vẫn được dựa vào để kết luận các bị cáo có tội. Bên cạnh đó, việc thu giữ vật chứng không tuân thủ quy định pháp luật khi không kiểm tra chi tiết vật chứng, không lập biên bản niêm phong…
Trong biên bản thu giữ túi gạch ghi trong túi có 5 viên, còn nhân chứng phát hiện túi gạch ban đầu cho biết trong túi có 7 – 9 viên. Trong khi đó, trọng lượng gạch là căn cứ xác định ý chí phi tang xác chết của các bị cáo…
Luật sư Tùng đặt vấn đề: Có hay không việc tạo dựng và mua chuộc nhân chứng Yến, Phuông? Bởi lời khai ban đầu của bà Yến là chỉ nhìn thấy bị cáo Quyên khiêng vật gì nặng nặng; sau đó bà Yến khai thêm có sự tham gia của bị cáo Tám(?!).
Về thời gian, không gian, cách thức nhìn thấy vợ chồng bị cáo Quyên, Tám khiêng xác mẹ xuống xuồng, bà Yến cũng liên tục thay đổi. Chưa kể lời khai của ông Phuông, bà Yến mâu thuẫn nhưng lại không được làm rõ.
Điều đáng nói là tại “Kế hoạch điều tra vụ án giết người” được “Ban Chỉ đạo điều tra vụ án” ký ngày 24/5/2010 (tình cờ được gia đình người bị hại nhặt được) có ghi: “Trường hợp cần thiết, trinh sát sử dụng mật phí chi mua tin để phục vụ công tác điều tra”!?
Nội dung vụ án Theo án sơ thẩm trước đây, giữa vợ chồng Huỳnh Văn Quyên (SN 1962, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Lê Thị Tám (SN 1967) và mẹ ông Quyên là bà Dương Thị Tám (SN 1929, sống cùng nhà) xảy ra mâu thuẫn. Rạng sáng 7/2/2007, bị mẹ la rầy, ông Quyên tức giận bóp cổ mẹ. Vợ ông cũng tham gia, dùng hai tay đè lấy hai chân đang giãy giụa của mẹ chồng, đến khi bà Tám bất động mới buông ra. Gây án xong, vợ chồng ông Quyên đem xác mẹ bỏ xuống sông phi tang. Ngày 25/9/2008, TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Quyên mức án tù chung thân, bị cáo Tám 13 năm tù giam cùng về tội “Giết người”. Sau phiên xử, cả hai làm đơn kháng cáo kêu oan, các đại diện của người bị hại làm đơn kháng cáo đề nghị hủy Bản án sơ thẩm, còn Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long có văn bản kháng nghị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tuyên phạt Quyên mức án tử hình. Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 3/2010, qua phần thẩm vấn cho thấy vụ án có nhiều sai phạm về tố tụng và nội dung, vì vậy HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu. Tháng 7/2011, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Tám, chuyển tội danh từ “Giết người” thành tội “Che giấu tội phạm”. |
Trần Phong