[links()]
Qua các hợp đồng lòng vòng giữa Việt Trung Hà Anh với công ty Airserco, công ty Nông sản Vạn Lộc có thể thấy những nghi vấn lớn như : hợp đồng ký kết giữa 3 bên về việc gửi hàng hóa trong kho để cầm cố thế nhưng khi mất hàng, không bên nào bắt đền bên giữ kho là công ty Nông sản Vạn Lộc? Cả 3 bên đều im lặng khi mất số hàng lên tới tiền tỷ và không cơ quan chức năng nào được mời đến để điều tra hay làm rõ việc mất hàng này...
một góc công ty Airserco |
Những hợp đồng " nói”gì?
Sau khi Pháp luật Việt Nam Online phản ảnh vụ thất thoát vốn tại Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco), tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả và cổ đông công ty. Các ý kiến này cho rằng bà Vân chính là người đã “giúp sức” khiến cho Airserco tiến tới bờ vực phá sản với hàng chục tỷ đồng tiền nợ khó đòi.
Để xác minh các thông tin mà cổ đông cung cấp, phóng viên PLVN Online đã lần giở lại hồ sơ hoạt động của công ty này.
Các tài liệu mà chúng tôi có được cho thấy : Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco), trụ sở tại quận Long Biên - Hà Nội, chính thức chuyển đổi từ công ty Nhà nước sang cổ phần hóa từ năm 2007 với gần 53% cổ phần của Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines). Thương hiệu lớn song sau gần 4 năm hoạt động, Airserco liên tục thua lỗ.
Ban Kiểm soát công ty Airserco cho rằng phần lớn các khoản nợ khó đòi của công ty phát sinh từ việc ký kết và thanh toán các hợp đồng thương mại thiếu chặt chẽ. Tổng số nợ khó đòi của Airserco đến hết năm 2009 là gần 29 tỷ đồng.
Điều đáng nói, số nợ khó đòi này phần lớn đều do một tay bà phó giám đốc Nguyễn Thị Hồng Vân “gây ra”.
Các cổ đông phản ảnh: lợi dụng sự Ủy quyền của giám đốc công ty cho bà Vân phụ trách toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, bà Vân đã ký các hợp đồng kinh tế với các công ty tư nhân mua bán hàng hóa khống để hợp pháp hóa việc rút tiền vốn của công ty.
Cụ thể với hợp đồng số 0865 ngày 03/12/2008 ký với công ty Việt Trung Hà Anh, theo đó công ty Việt Trung Hà Anh mua của công ty Airserco 4000 tấn sắn khô trị giá hơn 10 tỷ đồng. Ngày 16/12/2008 công ty Airserco có biên bản giao 2121 tấn sắn lát khô cho Việt Trung Hà Anh nhưng số hàng này lại có trong biên bản kiểm kê hàng gửi kho 3 bên gửi công ty TNHH Nông sản Vạn Lộc ( Tuyên Quang).
Ngày 22/12/2008 công ty Airserco cũng có biên bản giao 2016 tấn sắn lát khô cho Việt Trung Hà Anh nhưng sau đó lại có biên bản kiểm kê hàng gửi kho công ty Nông sản Vạn Lộc vẫn còn số hàng này trong kho. Đến ngày 15/6/2009 3 bên lại có biên bản xác nhận số hàng này đã..mất không còn trong kho. Số hàng này đi đâu tới này vẫn còn là một dấu hỏi đang chờ cơ quan công an kết luận, trong khi đó hợp đồng này đã dẫn tới nợ quá hạn hơn 3,2 tỷ đồng.
Những đơn hàng còn lại giữa công ty Airserco và Việt Trung Hà Anh cũng đều mua bán lòng vòng và thiếu logic như vậy. Tình trạng tồn tại cùng lúc biên bản giao hàng trong khi hàng vẫn tồn trong kho rồi sau đó có biên bản mất hàng xảy ra với các hợp đồng như hợp đồng số 0209 ngày 3/1/2009 ( hợp đồng này đẫn tới khoản nợ quá hạn hơn 4 tỷ đồng).
Hợp đồng số 0904 cũng xảy ra tình trạng tương tự, cũng nhập kho rồi lại báo mất hàng. Đặc biệt, đang ở “vai” đi mua, tại hợp đồng số 0909 ngày 3/3/2009 Việt Trung Hà Anh lại trở thành công ty đi bán sắn lát khô cho công ty Airserco. Ở hợp đồng này Việt Trung Hà Anh bán cho công ty Airserco 3500 tấn sắn khô, giá trị hợp đồng hơn 8,3 tỷ đồng. Hàng chưa giao song bà Vân đã cho chuyển 100% số tiền trên dẫn tới khoản nợ hơn 8,5 tỷ đồng mà nay công ty Airserco phải ôm lấy.
Qua các hợp đồng lòng vòng giữa Việt Trung Hà Anh với công ty Airserco, công ty Nông sản Vạn Lộc có thể thấy những nghi vấn lớn như : hợp đồng ký kết giữa 3 bên về việc gửi hàng hóa trong kho để cầm cố thế nhưng khi mất hàng, không bên nào bắt đền bên giữ kho là công ty Nông sản Vạn Lộc? Cả 3 bên đều im lặng khi mất số hàng lên tới tiền tỷ và không cơ quan chức năng nào được mời đến để điều tra hay làm rõ việc mất hàng này.
Có dấu hiệu hình sự
Công ty Airserco đã phát hiện và nghi ngờ có sự gian dối và khuất tất trong các hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán mà bà Vân ký với các đối tác là Việt Trung Hà Anh và công ty Nông sản Vạn Lộc.
Công ty Luật TNHH Davilaw- đơn vị được thuê bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Airserco trong quan hệ phát sinh với bà Nguyễn Thị Hồng Vân đã xác định: hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu bà Vân chịu trách nhiệm bồi thường đối với số nợ hơn 24 tỷ đồng mà công ty Việt Trung Hà Anh nợ của công ty Airserco. Cơ sở để bà Vân phải chịu trách nhiệm này theo phân tích của các luật sư là do bà Vân đã thực hiện công việc vượt quá phạm vi được ủy quyền gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty.
Thậm chí theo tư vấn của công ty Luật này thì công ty Airserco có quyền gửi đơn tố cáo bà Vân tới cơ quan công an để cơ quan công an vào cuộc xác định đối tượng và mức độ vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 139 và 140 Bộ luật hình sự.
Trong một văn bản gửi giám đốc Công an TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đâu, Giám đốc Airserco cũng cho rằng vụ việc có dấu hiệu lừa đảo và có sự tiếp tay của ngân hàng cùng sự buông lỏng quản lý của cán bộ Công ty Airserco.
Cổ đông công ty Airserco mới đây đã cung cấp thêm các tài liệu cho thấy thời điểm sau khi công ty cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Hồng Vân còn có nhiều việc làm sai trái, vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sau khi xác minh chứng cứ mà cổ đông cung cấp từ cơ quan có thẩm quyền.
Nhóm PVĐT