Không chỉ liên tục kháng nghị các bản án dân sự, VKSNDTC còn khởi tố vụ án “ra quyết định trái pháp Luật” khiến vụ việc trở nên đặc biệt phức tạp.
Ngôi nhà không bình yên
Từ năm 1999 đến nay, nhà số 194 phố Huế gắn liền với các tranh chấp và các phiên tòa của Tòa án các cấp. Đầu tiên là Bản án 234/DSPT ngày 20/10/1999 xét xử vụ tranh chấp giữa ông Hoàng Đình Mậu và bà Nguyễn Thị Dương Hiền. Kết quả, ông Hoàng Đình Mậu được sở hữu căn nhà và phải trả cho bà Hiền 750 triệu đồng. Đến nay, bản án vẫn chưa được thực hiện xong.
Tiếp theo là Bản án số 194/DSPT ngày 12/3/2001 của TAND TP.Hà Nội giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nhà 194 phố Huế. Và gần đây nhất là các bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong đó ngôi nhà 194 phố Huế là tài sản bảo lãnh đảm bảo thực hiện hợp đồng. Theo Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP.Hà Nội về công nhận thỏa thuận của đương sự, ngôi nhà 194 phố Huế được “xử lý” để thu hồi khoản nợ hơn 25,5 tỷ đồng mà Cty TNHH Bắc Sơn còn nợ Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Việc thi hành án đã được thực hiện xong. Ngôi nhà đã được Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội bán thành công cho ông Đặng Văn Thoán thì bất ngờ VKSNDTC ra kháng nghị yêu cầu Tòa hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của Cty TNHH Bắc Sơn và Ngân hàng Công thương Việt Nam. TANDTC chấp nhận hủy quyết định công nhận việc thỏa thuận của đương sự vì trong quá trình giải quyết, Tòa cấp sơ thẩm để “lọt” người liên quan. Vụ việc lại trở về vạch xuất phát và ngôi nhà 194 phố Huế vẫn chưa thoát khỏi vòng tố tụng.
Ngày 29/9/2011, TAND TP.Hà Nội một lần nữa đưa vụ tranh chấp ra xét xử và số phận ngôi nhà 194 phố Huế lại được đưa ra để xem xét, định đoạt. Nhưng Tòa án đã xác định ngôi nhà 194 phố Huế đã được “định đoạt” khi tổ chức bán đấu giá đã bán và giao cho người mua hợp pháp nên Tòa không xem xét.
Tòa cũng buộc Cty TNHH Bắc Sơn phải trả cho Ngân hàng Công thương Việt Nam hơn 32,6 tỷ đồng tiền nợ gốc và lãi, trả cho Cty TNHH Kim Cương hơn 11 tỷ đồng. Như vậy, Cty TNHH Bắc Sơn phải gánh thêm hơn 18 tỷ đồng tiền nợ so với nghĩa vụ mà Cty này phải thực hiện theo Quyết định số 143/QĐST-KDTM đã bị hủy.
VKSNDTC quan tâm thái quá?
Nhưng Bản án 160/KDTM-ST ngày 29/9/2011 của TAND TP.Hà Nội cũng chưa phải là bản án cuối cùng vì chỉ một thời gian ngắn sau, ngày 3/11/2011, VKSNDTC lại kháng nghị bản án này, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án theo hướng có lợi cho Cty TNHH Bắc Sơn, trong đó có việc không công nhận hợp đồng thế chấp, bảo lãnh ngôi nhà 194 phố Huế đối với khoản tiền mà Cty vay của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Với kháng nghị này, VKSNDTC vẫn muốn Tòa trả lại căn nhà 194 phố Huế cho chủ cũ(?).
Không chỉ kháng nghị Bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội, VKSNDTC còn đi xa hơn trong một sự kiện thực sự khó hiểu khi chính cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để “xử lý” người đã cho thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự năm vào 2009.
Theo thông tin được đăng tải trên báo chí, ngày 28/10/2011, đúng 1 tháng kể từ ngày Cty TNHH Bắc Sơn thua kiện tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.Hà Nội xét xử, CQĐT hình sự thuộc VKSNDTC (Cục 6) đã có Quyết định số 27/VKSTC – C6 (P3) khởi tố vụ án “ra quyết định trái pháp luật”.
Cơ quan này cho rằng, khi TAND TP.Hà Nội đã có thông báo việc thụ lý lại nhưng Chấp hành viên – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội vẫn ra Quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐ-THA ngày 28/6/2011, đồng thời ngày 7/7/2011 đã tổ chức cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội cho người mua trúng đấu giá.
Đến nay đã gần 2 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án, “vụ án” vẫn chưa có tiến triển gì. Nhưng rõ ràng, quyết định khởi tố vụ án này nhằm vào cơ quan đã cho thi hành án quyết định có hiệu lực của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật. Cũng phải nhắc lại một lần nữa, việc thi hành án, từ khâu định giá tài sản và bán đấu giá tài sản, đều có sự tự nguyện của đương sự phải thi hành án.
Chỉ đến khi việc bán đấu giá đã thực hiện xong thì đương sự mới “lật kèo” không chịu bàn giao nhà dẫn đến cơ quan thi hành án phải cưỡng chế giao nhà. Việc cưỡng chế bàn giao tài sản, ngay cả khi bản án đã được thi hành bị hủy và Tòa án đang thụ lý xét xử lại cũng không phải là quyết định trái pháp luật, trái lại còn là một quyết định hợp pháp. Nếu có một quyết định thể hiện sự quan tâm “quá mức” đến vụ án thì có lẽ đó chính là quyết định… khởi tố vụ án của VKSNDTC.
Nếu không có Quyết định kháng nghị của VKSNDTC thì Cty TNHH Bắc Sơn chỉ phải trả hơn 25,5 tỷ đồng tiền vay cả gốc và lãi, nhưng VKS kháng nghị thì giờ đây số tiền mà Cty này phải trả cho 2 đương sự là hơn 43,6 tỷ đồng. Vụ kiện trở nên rắc rối và thiệt hại về kinh tế lại rơi về phía đương sự. Kết thúc vụ án, Cty TNHH Bắc Sơn sẽ đối mặt với số nợ rất lớn và khoản án phí mà lẽ ra họ không phải nộp nếu không có… kháng nghị.
Bình Minh