Nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động
Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập năm 1997, gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố, 07 huyện); 136 đơn vị hành chính cấp xã (102 xã, 16 phường, 18 thị trấn). Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển.
Theo UBND tỉnh, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; lĩnh vực văn hóa, xã hội thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu qủa. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt mức tăng khá, ước tăng 9,54% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 cả nước về tốc độ tăng GRDP. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,41%, khu vực dịch vụ tăng 9,61%.
Từ khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đến nay hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp được tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành của cấp thẩm quyền. UBND các cấp đã chủ động, kịp thời trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; qua đó, hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
HĐND các cấp có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; chất lượng các kỳ họp, chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên; hoạt động giám sát của HĐND, các ban HĐND thực hiện theo chương trình, kế hoạch, nội dung có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động tiếp xúc cử tri đảm bảo theo luật định, các kiến nghị của cử tri và Nhân dân cơ bản được giải quyết ngay tại cơ sở hoặc chuyển phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của UBND các cấp đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước được kiện toàn, củng cố theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Tạo điều kiện cho cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng
Tuy nhiên, khó khăn là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ lớn, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu chưa nhiều, nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HĐND, nhất là ở cấp cơ sở.
Trong thực hiện cho thấy, một số quy định của Luật còn chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể như tại Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương, trên thực tế việc phân cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể được quy định trong các luật chuyên ngành, tuy nhiên mới chủ yếu tập trung vào phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh; chưa quy định rõ ràng, rành mạch phạm vi phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Về quyền chất vấn của đại biểu HĐND hiện chưa có quy định về chất vấn của đại biểu HĐND là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Về thôi làm nhiệm vụ đại biểu chưa phù hợp trong thực tế vì phát sinh một số trường hợp đại biểu đã chuyển công tác khỏi địa phương nhưng vẫn cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu dẫn đến vướng mắc trong hướng dẫn đại biểu xin thôi nhiệm vụ.
Đến nay, Chính phủ chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cấp huyện và cấp xã. Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã không có Tổ đại biểu gây khó khăn trong các hoạt động thảo luận, xem xét các báo cáo được trình tại kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu.
Do đó, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương; ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp; hình thức, cách thức, địa điểm tiếp công dân của đại biểu HĐND; khi đại biểu HĐND vi phạm pháp luật đến mức khởi tố thì nên đình chỉ làm nhiệm vụ đại biểu trước khi ra Quyết định khởi tố bị can; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa có quy định về trình tự đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND cũng như quy định như thế nào “hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu”?..