Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Cụ thể, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi và khuyến khích ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT như: Nghị quyết số 163 về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 17 về việc Quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh sinh viên, người cao tuổi… Từ năm 2015 đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT giúp cho 100% người cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Giai đoạn 2015 - 2020, hàng năm có trên 300.000 lượt người được hỗ trợ với tổng số tiền trên 168 tỷ; giai đoạn 2021 - 2023, hàng năm có hơn 400.000 người được hỗ trợ với tổng số tiền 213 tỷ đồng.
Nếu như năm 2009, số người tham gia BHYT của tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ đạt 67% dân số với 690.936 người tham gia thì đến hết năm 2023 có 1.158.927 người tham gia, chiếm 95% dân số. Vĩnh Phúc phấn đầu đến hết năm 2024, phấn đấu nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 95,18% dân số.
Đoàn diễu hành tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2024. |
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia BHYT, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới cơ sở y tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 179 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn khám, chữa bệnh BHYT. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao của tuyến Trung ương đã được triển khai ngay tại tuyến tỉnh, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến và giảm chi phí cho gia đình người bệnh.
Tỷ lệ danh mục kỹ thuật tại tuyến tỉnh trung bình đạt 72,7%; tuyến huyện trung bình đạt 41,7%; tỷ lệ giường bệnh đạt 40,5 giường/vạn dân.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT được các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, đã triển khai sử dụng đa nền tảng khi khám, chữa bệnh cho người dân bằng căn cước công dân, ứng dụng VssID, định danh điện tử VNeID.
Để phục vụ tốt cho người dân tham gia bảo hiểm, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT; Tăng cường công tác đào tạo bác sỹ nhất là bác sỹ có trình độ chuyên khoa sâu về làm việc tại các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT.
Cùng với đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT.