Người đứng đầu VNR chia sẻ nỗi lo lớn nhất bây giờ là “làm sao để đủ công ăn việc làm và đời sống cho gần 3 vạn cán bộ, nhân viên lao động”, bởi dịch bệnh đã khiến “Tổng” này mất hàng chục phần trăm sản lượng và doanh thu trong những tháng đầu năm.
“Triển khai các giải pháp phòng chống dịch, chúng ta đã phải cắt giảm gần như toàn bộ các đoàn tàu khách nội địa và Liên vận quốc tế, chỉ duy trì duy mỗi ngày một đôi tàu Thống nhất Bắc - Nam để phục vụ khách hàng. Sản lượng hành khách, hàng hóa và doanh thu vì thế đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử”, ông Minh nói.
Theo các chuyên gia, vận tải là ngành kinh tế có sức chịu đựng kém do lệ thuộc vào doanh thu hàng ngày và chi phí đầu vào nên rất dễ “ngấm đòn” trong bối cảnh hàng hóa, hành khách sụt giảm một cách nghiêm trọng như hiện nay.
Từ những gì đang đối mặt, Chủ tịch VNR cũng không mấy lạc quan khi chi sẻ thật với người lao động về những khó khăn đang phía trước: “Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn khác khi dự án 7.000 tỷ đi vào thi công ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu, làm giảm năng lực thông qua, kéo theo đó là ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu, tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ”.
Toàn ngành Đường sắt có gần 3 vạn người lao động, đang gặp nhiều khó khăn do doanh thu, sản lượng vận tải giảm. |
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam gồm nhiều dự án thành phần, do PMU Đường sắt và PMU85 (Bộ Giao thông - Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, với các hạng mục như: thi công nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; nâng cấp kết cấu hạ tầng đoạn Nha Trang - Sài Gòn; Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va tuyến Hà Nội - TP HCM; gia các cố hầm...
Điều đáng nói là tất cả các hoạt động thi công, cải tạo nói trên đều diễn ra trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, trong khi các đoàn tàu khách và hàng, tới đây sẽ phải khai thác trở lại suốt ngày, đêm. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân vốn, dự án buộc phải diễn ra. VNR dự báo biểu đồ chạy tàu vì thế sẽ xáo trộn và sẽ gián tiếp tác động tới các chỉ tiêu về vận tải, doanh thu của ngành.
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc PMU85 - mới đây cho biết, kế hoạch vốn cho dự án nói trên chỉ được phép kéo dài thêm 1 năm nên đơn vị phải phấn đấu để hoàn thành dự án trong năm 2021. Ngoài ra, vị này còn nhấn mạnh, dự án 7.000 tỷ này có hoàn thành đúng tiến độ hay không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc phối hợp với VNR, vì phải triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo chạy tàu.