Ngày 31/12, Việt Nam sẽ chính thức hoàn thành cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UVKTT HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Tổng kết hai năm tham gia của Việt Nam tại HĐBA, ngày 28/12, Tổ công tác Liên ngành (TCTLN) về HĐBA đã tổ chức phiên họp cuối cùng do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Tổ trưởng Tổ Công tác, chủ trì để trao đổi, đánh giá một cách thực chất về tình hình, kết quả tham gia HĐBA hai năm qua.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò UVKTT HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra từ đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế trong hai năm qua diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăngở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, Đông Phi, Châu Á, Châu Âu, Mỹ Latin… cùng với đó là hệ luỵ đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...
Trong thời gian này, HĐBA đã xử lý khối lượng công việc lớn, đa dạng với khoảng 840 cuộc họp cấp Đại sứ, thông qua hơn 240 văn kiện trên 60 đề mục khác nhau của chương trình nghị sự.
Việt Nam đã tham gia thực chất, thiết thực vào công việc chung của HĐBA, được LHQ, các nước và dư luận quốc tế, trong nước đánh giá cao; đóng góp trách nhiệm vào quá trình bàn thảo, tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xung đột, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở đề cao Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế,cách tiếp cận toàn diện, nhân văn về con người, để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang khẳng định những yếu tố quan trọng tạo nên thành công nhiệm kỳ HĐBA của Việt Nam lần này là sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành hữu quan; sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị được tiến hành bài bản, công phu từ sớm, từ xa, kế thừa những kinh nghiệm thành công từ nhiệm kỳ đầu tham gia HĐBA (2008-2009), đặc biệt về tổ chức lực lượng, công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, cơ chế phối hợp, phân cấp quyết định.
Thứ trưởng cảm ơn và đánh giá caoTổ công tác liên ngànhvề việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021đã chủ động, phối hợp chặt chẽ,dự báo sát tình hình, kịp thời chia sẻ thông tin và tham mưu phù hợp cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong xử lý các vấn đề phức tạp tại HĐBA.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021), Thứ trưởng đề nghị các thành viên TCTLN tiếp tục phối hợp chặt chẽ chuẩn bị cho công tác tổng kết toàn diện trọng trách UVKTT HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, rút ra những bài học kinh nghiệm, gợi ý chính sách/giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng tầm công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng trong hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong 2 năm nhiệm kỳ HĐBA, Việt Nam đã đề xuất và được HĐBA thông qua 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng Hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; 1 Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các sự kiện và văn kiện do ta chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước, trong đó Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ (chỉ có 1% số Nghị quyết của HĐBA có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên HĐBA ở mức tuyệt đối như vậy); lần đầu tiên HĐBA đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ; Tuyên bố Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ.