Vì sao Mỹ quyết xung khắc thương mại với các đối tác?

Hình minh họa.
Hình minh họa.
(PLO) - Sau khi tuyên bố đối với EU và một số đối tác kinh tế, thương mại khác từ ngày 1/6 năm nay, Mỹ chính thức áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 6/7 tới. 

Đối với EU và các đối tác khác của Mỹ, Mỹ chỉ áp thuế quan 25% và 17% đối với sản phẩm thép và nhôm. Nhưng đối với Trung Quốc, Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại với mức độ khác nhau đối với 1.102 sản phẩm hàng hoá của Trung Quốc ở mức độ giá trị 50 tỷ USD.

Sự khác biệt này có nguyên nhân ở chỗ đối với EU và các đối tác khác của Mỹ chỉ bị Mỹ phê trách là đang áp thuế quan cao đối với sản phẩm hàng hoá của Mỹ; trong khi Trung Quốc còn bị Mỹ cáo buộc nhiều chuyện khác nữa như vi phạm quy định về bảo vệ sở hữu bản quyền phát minh sáng chế và trí tuệ công nghiệp, ép buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ cao, không mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ...

EU, Trung Quốc và các đối tác kinh tế, thương mại của Mỹ đối phó theo những cách khác nhau. Có những đối tác như Argentina hay Hàn Quốc nhượng bộ Mỹ bằng cách chấp nhận giảm mức độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ như Mỹ yêu cầu để không bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại mới (Argentina), hoặc chấp nhận mở cửa thị trường của mình cho sản phẩm hàng hoá khác của Mỹ (Hàn Quốc). Hàn Quốc, Canada và Mexico chấp nhận thương thảo lại thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do đã ký kết với Mỹ.

Giữa Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mới, trong khi giữa Mỹ với Canada và Mexico thì việc đàm phán lại thoả thuận về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn có hiệu lực từ năm 1994 chưa kết thúc thành công. 

Về phía một số nước khác, cả EU lẫn Trung Quốc và Nga đều chủ trương trả đũa Mỹ bằng cách như Mỹ, có nghĩa là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ ở mức độ giá trị tương tự. EU, Canada và một số đối tác khác đã khởi kiện Mỹ ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Thế nhưng những biện pháp chính sách đáp trả của các đối tác cho tới nay không làm Mỹ thay đổi chủ định. Mỹ thậm chí còn doạ sẽ trả đũa lại những biện pháp trả đũa của đối tác, trong đó đáng chú ý nhất là viêc Mỹ dọa sẽ áp thuế quan bảo hộ đối với xe ô tô của EU xuất sang thị trường Mỹ hay tăng mức giá trị xung khắc thương mại với Trung Quốc lên thêm 200 tỷ USD và thậm chí còn thêm 200 tỷ USD nữa. 

Chuyện xung khắc thương mại vốn đã nhiều lần xảy ra giữa Mỹ và các đối tác. Mỹ cũng đã không ít lần gây chuyện trước. Nhưng chưa khi nào phía Mỹ cùng một lúc đối đầu thương mại với nhiều đối tác như lần này, lại còn tỏ ra kiên quyết không nhượng bộ và sẵn sàng chấp nhận xô đẩy lẫn nhau đến chiến tranh thương mại.

Không thể có chuyện ông Trump và cộng sự không biết từ trước là các đối tác sẽ trả đũa Mỹ theo phương châm “ăn miếng trả miếng” mà chắc chắn đã suy tính sẵn đối sách cho trường hợp bị đối tác đáp trả và ứng phó.

Không chỉ mối quan hệ nói chung của Mỹ với các đối tác này bị ảnh hưởng tiêu cực mà phía Mỹ còn không thể tránh khỏi bị tổn hại trực tiếp. Biện pháp chính sách bảo hộ thương mại như thế là con dao hai lưỡi đối với Mỹ. 

Cho nên chỉ có thể có hai nguyên do lý giải cho việc ông Trump nhận thức như vậy mà vẫn quyết chí khuấy động cuộc xung khắc thương mại với các đối tác vào thời điểm hiện tại. 

Nguyên do thứ nhất là ông Trump và những cộng sự thân cận về chính sách kinh tế, tài chính và thương mại thực sự tin rằng việc hạn chế nhập khẩu vẫn có lợi hơn cả và vẫn có thể bù đắp được cho thiệt hại từ việc buộc phải hạn chế xuất khẩu.

Một khi bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch như thế, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ sẽ kìm hãm xuất khẩu vào thị trường Mỹ để tránh thiệt hại và sẽ buộc Mỹ cũng phải kìm hãm xuất khẩu vào thị trường của các đối tác này để tránh bị thiệt hại. Hay nói theo cách khác, lý do ở chỗ ông Trump và cộng sự tin tưởng một cách “cuồng tín” và “giáo điều” vào tác dụng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Lý do thứ hai là những suy tính lợi ích ngắn hạn, cụ thể là tranh thủ cử tri nhằm vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Vì thế, sau cuộc bầu cử này, rất có thể ông Trump lại có những quyết sách khác về thương mại.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.