Việc bé Trịnh Thị Bích (8 tuổi) sống sót sau khi bị sát thủ Lê Văn Luyện chém đứt lìa cánh tay phải cùng nhiều vết chém khác trên cơ thể sau gần 8 tiếng đồng hồ mà không có bất kỳ một biện pháp sơ cứu nào. Việc cánh tay bé Bích được nối lại sau đó và đến nay đã cử động, co duỗi được… được các bác sĩ đánh giá là hi hữu, là sự sống sót kỳ diệu của cô bé này. Sau sự kiện thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang, dư luận bàng hoàng và dõi theo số phận của bé Trịnh Thị Bích, 8 tuổi, con cả và là người duy nhất sống sót sau khi gia đình em bị sát thủ Lê Văn Luyện ra tay.
Chiều 24/8, cháu Bích được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng hoảng loạn, đau đớn với bàn tay phải bị chém đứt lìa, hai vết chém vùng đầu, mặt, tay trái.
Các BS với nhiều kíp mổ đã thay phiên nhau thực hiện các phẫu thuật từ 13 giờ ngày 24/8 đến gần 1 giờ ngày 25/8. Vì cánh tay bị chém đứt rời khá lâu (khoảng 7- 8 tiếng) nên các bác sĩ chỉ hi vọng 50-50 khi thực hiện ca ghép này, với các phẫu thuật phức tạp như nối vi phẫu các động mạch, tĩnh mạch thần kinh và các gân.
Ngày 25/8, bàn tay của cháu bé đã ấm dần và có khả năng hồi phục tốt. Sự phục hồi này được đánh giá là kì diệu, vượt trên cả sự mong đợi của bác sĩ vì cánh tay của nạn nhân đã bị đứt lìa khỏi cơ thể tới gần 8 tiếng đồng hồ mà không có bất kỳ một sự sơ cứu, bảo quản nào.
Theo thông tin từ bệnh viện Việt Đức, đến nay, bệnh nhi Trịnh Thị Bích phục hồi tốt, bàn tay được nối đã có thể co duỗi. Để hạn chế những cử động mạnh ảnh hưởng đến các mạch máu mới được khâu nối, cháu Bích vẫn phải dùng một máng giữ đoạn xương bàn tay từng bị cắt rời cho đến khi phần xương nối hồi phục tốt hơn.
BS Nguyễn Xuân Vinh, BV Việt Đức cho biết: “Thông thường sau 6-8 tiếng, cơ hội ghép thành công là rất mong manh, nhất là trong trường hợp bé Bích, cánh tay không được bảo quản, bản thân bé cũng không có được bất kỳ sự sơ cứu nào ngay lúc bị chém.
Có nhiều tai nạn, chỉ riêng chảy máu cũng đã đủ chết. Trong khi lượng máu của trẻ em rất ít so với người lớn. Chỉ cần mất 300-500ml cũng đã đủ nhợt nhạt cả người.
Tôi thấy bé Bích sống được đến tận lúc mang tới bệnh viện đã là hi hữu, huống gì nối lại cánh tay và có tiên lượng tốt như thế. Cũng may mà thời tiết ngày hôm đó mát, chứ nếu trời nắng to thì rất khó”.
Bệnh viện Việt Đức đã từng nối nhiều chi của người lớn, do đâm chém nhau hoặc tai nạn lao động, nhưng với trẻ em thì rất ít gặp kiểu tai nạn này. Hầu hết bệnh nhân được đưa tới viện sớm, ít có ca nào để lâu như thế và hầu hết được sơ cứu ngay. Ngoài ra, thời gian dài (gần 8 tiếng) mới được nối lại chi và cánh tay đã ấm lên, co duỗi được, cũng rất hi hữu, phi thường.
BS Vinh khâm phục với bé Bích khi mới 8 tuổi đã biết giả chết để không bị giết, đã có nghị lực sống phi thường, vượt qua khả năng của con người. “Tôi nghĩ là trời cho bé Bích sống!” – BS Vinh bày tỏ quan điểm của mình.
Cánh tay của bé Bích có sự phục hồi tốt khi được nối lại sau gần 8 tiếng đứt lìa, BS Kim Văn Vụ - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng rất vui cho rằng: “Thường sau 6 tiếng, khả năng phục hồi của cánh tay sẽ kém vì lúc đó tế bào chết rồi.
Hiện nay, cánh tay bé Bích đã co duỗi được, chứng tỏ đã có sự sống. Tuy vậy, cũng nên theo dõi thêm tránh các biến chứng cũng như khả năng phục hồi vận động về sau”
BS Vụ lý giải, khi cánh tay bé Bích bị chém đứt lìa, theo cơ chế tự nhiên, máu sẽ đông lại, tự bịt các mạch máu. Ở tuổi này, mạch chỉ bằng đầu tăm nên khả năng cầm máu sẽ nhanh và ổn.
Song với thời gian đứt lìa dài như thế mà các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vẫn nối thành công cánh tay cho bé Bích, là sự cố gắng hết mình, đáng ghi nhận của các bác sĩ; là nghị lực sống phi thường của cô bé mới lên 8 này.
Lý giải thêm về sức sống kỳ diệu của cháu Trịnh Ngọc Bích, các bác sỹ điều trị cho cháu Bích cho biết, cháu Bích có cơ chế đông máu thuộc nhóm đặc biệt, vì vậy, ngay sau khi bị chặt đứt tay, máu của cháu chảy ra nhưng đông lại rất nhanh.
Chính cơ chế đông máu đặc biệt của cháu, cùng với sự thông minh, bản lĩnh của cô bé, sự cố gắng của các chú Công an trong việc bảo quản an toàn cánh tay cho cháu, sự tiến bộ của y học và sự nỗ lực tột cùng của các y, bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức đã tạo nên sự sống kỳ diệu.
Theo GDVN