Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là những người gây ra oan sai đó có vẻ như vô can trong việc bồi thường vật chất và cho rằng, nếu những người đó bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự là chưa đủ mà cần thiết phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường. Họ thi hành phận sự, trách nhiệm của người nhà nước nhưng không hoàn thành nhiệm vụ đó thì dứt khoát là có lỗi, giống như tội danh “làm trái”, nếu vô tình thì chỉ ở mức độ “lỗi”, còn cố ý là có “tội”. Dù tội hay lỗi thì cũng phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây nên.
Đúng ra, pháp luật đã có quy định người gây oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường, tối đa là 36 tháng lương, thế nhưng, trải qua nhiều vụ Nhà nước phải đứng ra bồi thường hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ nhưng trên thực tế, chưa một ai gây ra oan sai phải bồi thường một đồng nào. Thực tế này cho thấy từ quy định pháp luật đến thi hành là một khoảng cách khá xa, đồng thời gây nên hệ lụy là tình trạng “quan xử theo lễ, dân xử theo luật” vẫn còn tồn tại.
Mới đây, trong việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, cơ quan chức năng đã yêu cầu những người gây ra vụ án oan sai này phải có trách nhiệm bồi thường. Chỉ là việc làm theo luật định nhưng là tiền lệ đầu tiên khiến dư luận quan tâm và mong muốn phải làm như thế trong các vụ tương tự tiếp theo. Làm được điều này đồng nghĩa với việc nâng cao trách nhiệm, sự cẩn trọng và tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng và hơn thế, đảm bảo sự công bằng xã hội cũng như đạo lý truyền thống, “ân đền, oán trả” là lẽ tất nhiên.
Bên cạnh đó, việc phải thương lượng bồi thường cũng như cần hóa đơn, chứng từ về sự thiệt hại đã gây ra những khó khăn, cản trở cho việc người được bồi thường mất nhiều thời gian, công sức cũng như phải thuê luật sư làm dịch vụ. Như vậy, vô hình trung, ý nghĩa của sự công bằng đã giảm thiểu ít nhiều, vì thế, rất cần đến sự sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật trong lĩnh vực này nhằm hướng đến sự tiếp cận công bằng dễ dàng hơn!