Bán vàng không đúng cửa hàng đã mua, “thượng đế” có thể bị từ chối thẳng thừng, hoặc nếu “được mua lại” cũng bị chiết khấu giá đáng kể. Phản ứng của các cửa hàng vàng cho thấy, hiện tại việc người dân mua phải vàng thiếu tuổi là rất phổ biến.
Vàng thiếu tuổi?
Sáng 7/9, bác Phương, cán bộ về hưu, nhà ở Tôn Thất Tùng, Hà Nội cầm chiếc nhẫn vàng mặt đá đến cửa hàng B. mong đổi được chiếc nhẫn rộng hơn, vì chiếc nhẫn này do cô con dâu tặng, bác đeo đã lâu hơi chật tay. Cầm chiếc nhẫn, cô nhân viên bán hàng xinh đẹp lắc đầu bảo “không phải nhẫn của cửa hàng, không có dấu, chúng cháu không mua đâu”. Bác Phương ngẩn người, gói gém cẩn thận mang về.
Câu chuyện bác Phương gặp phải thật ra đã là một thông lệ từ lâu trên thị trường vàng: mua vàng ở đâu thì bán ở đó, không cửa hàng mua bán vàng nào chịu công nhận chất lượng của nhau. Bán không đúng cửa hàng đã mua “thượng đế” có thể bị từ chối thẳng thừng, hoặc nếu “được mua lại” cũng bị chiết khấu giá đáng kể. Phản ứng của các cửa hàng vàng cho thấy, hiện tại việc người dân mua phải vàng thiếu tuổi là rất phổ biến. Có trường hợp mua 1 chỉ vàng nhưng thực tế chỉ có 0,8 chỉ. Thậm chí, có nơi, tuổi vàng bị hạ xuống thấp chỉ còn khoảng 51%.
Thực tế, mỗi năm, thị trường vàng trang sức Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn, nếu các sản phẩm đều thiếu từ 10 đến 30% hàm lượng vàng, như thế, người tiêu dùng đã và đang bị “móc túi” hàng núi tiền công khai giữa ban ngày.
Mới đây, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thông báo về việc sản phẩm vàng miếng của mình bị làm giả và bị bào mòn không đúng với chất lượng của vàng doanh nghiệp này. Theo SJC, các loại vàng giả có hàm lượng vàng chỉ khoảng 95%, 96% so với 100% vàng miếng của SJC, điều này đồng nghĩa với việc trung bình một lượng vàng sẽ bị thiệt hại khoảng 4 triệu đồng. Công ty này cũng cho biết đã phát hiện được khoảng 50 - 60 lượng vàng bị làm giả …
Thành lập Trung tâm kiểm định vàng?
Tồn tại thực trạng nói trên nguyên nhân một phần từ “khoảng trống pháp lý” khi chưa có quy định của Nhà nước về vàng chuẩn, chưa có “nhạc trưởng” quản lý về chất lượng vàng. Các doanh nghiệp “một mình một chợ”, tự thiết kế thương hiệu, tự định ra chất lượng vàng. Trong khi, văn bản pháp luật của Nhà nước như Nghị định 174/1999/NÐ-CP và Nghị định 64/2003/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới chỉ quy định, doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng mà không quy định rõ tiêu chuẩn hàm lượng vàng tối thiểu cho từng loại vàng cụ thể.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng giả, gian lận tuổi vàng, trọng lượng vàng, về thương hiệu đã xảy ra trong thời gian qua, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho hay, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã ra Nghị quyết số 02/2010 yêu cầu hơn 100 doanh nghiệp hội viên thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "Hãy bán đúng chất lượng vàng". Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ cùng nhau cam kết bán đúng giá theo chất lượng vàng trang sức. Mục tiêu của Hiệp hội là làm sao khi khi mua nữ trang, người tiêu dùng có thể chọn được những sản phẩm có đóng dấu chất lượng, dễ dàng mua bán ở mọi nơi chứ không phải “mua ở đâu, bán ở đó” như hiện nay.
Tiếp đến, Hiệp hội đang tính đến việc thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng vàng trang sức. Đồng thời, các doanh nghiệp yêu cầu Hiệp hội kiến nghị gửi Bộ Công Thương sớm ban hành Tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức trên thị trường Việt Nam. Song trong khi đợi chờ sự minh bạch đó, hiện tại người tiêu dùng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt chịu cảnh “mua đâu, bán đấy”!
Trước mắt, dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng như Tổng cục Đo lường chất lượng kết hợp với cơ quan quản lý thị trường “vào cuộc”, thường xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về vàng chứ không thể đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây thiệt hại tới quyền lợi người tiêu dùng.
Mai Hoa