Sau hàng chục lần dự thảo, cuối cùng Nghị định 24/2011/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3/4/2012. Nghị định nói rõ, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Ảnh minh họa. |
Không còn mua bán vàng miếng tràn lan
Theo Nghị định này, nhiều hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp….
Đặc biệt, Nghị định cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Đây là điều khoản được đánh giá là tác động sâu sắc tới tâm lý truyền thống của người Việt Nam vốn thường dùng vàng để làm chuẩn xác định giá sản phẩm và để giao dịch, đặc biệt là trong các giao dịch có giá trị lớn như giao dịch bất động sản (BĐS)…
Kể từ ngày 25/5/2012 – thời điểm Nghị định có hiệu lực, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (DN) được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
DN được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: 1- Là DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; 2- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; 3- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; 4- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); 5- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: 1- Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; 2- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; 3- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Một quy định khác của Nghị định 25 được đông đảo người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh loạn chất lượng vàng trang sức, đó là DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do DN sản xuất.
5 ngân hàng và SJC phải báo cáo mạng lưới mua bán vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản số 1873/NHNN-QLNH yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần: Á Châu, Đông Á, Xuất nhập khẩu Việt Nam, Sài Gòn Thương tín, Kỹ Thương Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng. Đồng thời, các tổ chức này phải báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống (trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng) và thông tin về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 09/4/2012.
Trước đó, ngay từ tháng 3, dịch vụ giữ hộ vàng cũng đã được một số ngân hàng triển khai, với lợi tức cao tương đương với gửi chứng chỉ vàng. Nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng Phương Đông ở Hà Nội cho biết, ngân hàng này đang triển khai song song dịch vụ giữ hộ và huy động vàng thông qua chứng chỉ ngắn hạn.
Lãi suất hai hình thức này tương đương nhau, kỳ hạn 1 - 2 tháng là 1,7% một năm, còn 3, 6, 9 và 11 tháng, lãi suất 2%. Gửi theo chứng chỉ, khách hàng không bị giới hạn số lượng vàng, nhưng cũng không được rút trước hạn. Còn nếu gửi theo hình thức giữ hộ vàng, lợi suất tương đương với chứng chỉ, nhưng số lượng vàng gửi phải từ 1 lượng trở lên, nếu rút trước hạn hưởng lãi không kỳ hạn.
Trong khi đó, Ngân hàng hợp nhất SCB chi nhánh Hà Nội đã kết thúc chương trình huy động chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng từ ngày 31/3. Với các sổ vàng đáo hạn tiếp tục gửi, ngân hàng sẽ chuyển đổi cho khách sang hình thức giữ hộ, hưởng lợi tức. Kỳ hạn giữ hộ của nhà băng này khá dài, gồm 3 mức 12, 15 và 18 tháng, với mức lợi tức cao nhất 4,6% áp dụng với định kỳ thanh toán 18 tháng.
Theo nhận định của một chuyên gia, theo quy định tại Thông tư 11, đến 1/5 tới, các ngân hàng phải ngưng huy động vàng, nên việc các ngân hàng đổi tên dịch vụ từ "huy động" sang "giữ hộ" cũng là cách để vẫn thu hút được vốn vàng mà không vi phạm quy định.
Bách Linh