Cục diện thế giới hiện nay đang vận động trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, với những chuyển động ở tầng sâu khoa học - công nghệ, kinh tế - vật chất và tầng cao an ninh, chính trị và sẽ còn vận động, biến động nhiều chiều trong những năm tới. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của từng quốc gia. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn trên thế giới; xu hướng trật tự thế giới "đa cực" ngày càng được khẳng định cả về kinh tế và chính trị; nhưng những xung đột cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tài nguyên... đang là những vấn đề phức tạp và nhận được sự quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhằm phân tích, đánh giá tình hình thế giới trong thời gian vừa qua, qua đó, làm rõ những thách thức và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật quốc tế, Trường đại học Luật Hà Nội phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức Toạ đàm khoa học cấp Trường với chủ đề: “Tình hình thế giới hiện nay và vai trò của luật pháp quốc tế”.
Toàn cảnh tọa đàm. |
Tham dự tọa đàm có ông Hà Hùng Cường - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quỹ; ông Trần Đắc Lợi - Nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quỹ; ông Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ; Ông Phạm Văn Chương - Nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ; Ông Nguyễn Đăng Quang - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia , Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ; Ông Châu Nhật Bình - Nguyên Phó trưởng ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ; Ông Lê Văn Toan - Chủ tịch HĐKH,TT Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ...
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo các khoa chuyên môn, lãnh đạo phân hiệu, trung tâm, lãnh đạo các bộ môn cùng đông đảo giảng viên của Trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Thế giới trong những năm gần đây đang trải qua nhiều biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Mặc dù hoà bình và phát triển vẫn là một xu thế của thế giới nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng với nhiều hình thái đa dạng khiến thế giới đứng trước loạt bất ổn hiện hữu lẫn nguy cơ tiềm tàng gia tăng đáng lo ngại...Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế đang phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống, như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Ngoài ra, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, với những đột phá trên nhiều lĩnh vực, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Cạnh tranh công nghệ sẽ trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong cạnh tranh nước lớn, và là cơ hội cho các nước nhỏ hơn giành được lợi thế, phát triển kinh tế và gia tăng ảnh hưởng chính trị ngoại giao.
PGS.TS Tô Văn Hòa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc. |
Có thế thấy, thế giới hiện nay đang có sự phân hóa sâu sắc và thúc đẩy tiến trình hình thành trật tự mới từ đơn cực sang đa cực khi các cường quốc tầm trung dần tăng cường vai trò của mình trong hệ thống quốc tế, cùng với việc các chủ thể tham gia quản trị toàn cầu ngày càng trở nên đa dạng. Điều này đang và sẽ tạo ra những thay đổi căn bản, xáo trộn lớn ở tất cả phương diện của đời sống thế giới.
Tất cả những yếu tố trên đang đặt ra cho pháp luật quốc tế rất nhiều thách thức, đồng thời tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi mới, vừa mang đến những khó khăn, đòi hỏi cần phải luôn theo dõi, bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng bối cảnh quốc tế, để đề ra đường lối, chính sách, sách lược kịp thời. Với phương châm theo sát các xu hướng chính trong tình hình quốc tế và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; để ngày càng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu khoa học, giảng dạy của Nhà trường, đồng thời, tạo diễn đàn khoa học mở cho các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về tình hình thế giới hiện nay và vai trò của luật pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức Toạ đàm khoa học cấp Trường với chủ đề: “Tình hình thế giới hiện nay và vai trò của luật pháp quốc tế”.
Phó Hiệu trưởng Tô Văn Hòa hy vọng các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các vấn đề thời sự trong quan hệ quốc tế, các thách thức đối với quá trình xây dựng, thực thi luật quốc tế và đề xuất các phương án cho Việt Nam trong việc tận dụng thời cơ và ứng phó trước những thách thức khu vực và toàn cầu.
Thay mặt Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, ông Hà Hùng Cường - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quỹ gửi lời cảm ơn tới sự chuẩn bị chu đáo của Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác chuẩn bị tọa đàm. Ông Hà Hùng Cường mong rằng tọa đàm ngày hôm nay sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong hoạt động hợp tác giữa Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ông Hà Hùng Cường - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quỹ phát biểu tại tọa đàm. |
Toạ đàm tập trung trao đổi vào ba vấn đề chính cụ thể như: Phân tích, đánh giá sâu tình hình, các xu thế lớn của thế giới và khu vực trong thời gian qua; đánh giá một cách sâu sắc thành tựu, hạn chế của luật pháp quốc tế trong việc duy trì hoà bình và giải quyết xung đột toàn cầu thời gian qua và xác định vai trò của luật pháp quốc tế trong việc định hình thế giới trong thời gian tới; thảo luận, đề xuất các phương án để triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu nâng tầm đối ngoại đa phương và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Một số hình ảnh tại tọa đàm