Kết quả 4 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện của lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện gắn với nông thôn mới. Các địa phương đã chủ động triển khai nhiệm vụ với vai trò tham mưu tích cực, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp cùng cấp. Những kết quả đạt được bước đầu đã góp phần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, giải quyết thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền công dân.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2017 có 6.865 đơn vị cấp xã (đạt 61,54%), năm 2018 có 9.051 đơn vị cấp xã (đạt 81,13%), năm 2019 có 9.687 đơn vị cấp xã (đạt 88,18%) và năm 2020 có 9.827 đơn vị cấp xã (đạt 92.57%) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua thống kê cho thấy kết quả cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương chưa đồng đều. Một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ. Một số địa phương có 100% cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Bình Dương (năm 2017), TP. Cần Thơ, Đồng Nai (năm 2018), TP. Đà Nẵng (năm 2019), Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, Hà Nam (năm 2019, 2020). Một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thấp.
Đối với nguồn kinh phí, trong 04 năm Bộ Tư pháp được phân bổ 4,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ động bố trí khoảng hơn 1,7 tỷ đồng từ kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, các đề án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 619/QĐ-TTg. Do kinh phí cấp từ ngân sách còn eo hẹp nên việc triển khai các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào tập huấn, kiểm tra, khảo sát, biên soạn tài liệu. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn triển khai hình thức, chưa thực chất, chưa chú trọng đẩy mạnh truyền thông, thực hiện chỉ đạo điểm do hạn chế về kinh phí.
Tại cấp tỉnh, Sở Tư pháp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao làm đầu mối tham mưu, giúp triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tại cấp huyện, Phòng Tư pháp được giao làm cơ quan thường trực của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tư pháp, kinh phí triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương chủ yếu được bố trí từ nguồn kinh phí cấp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan Tư pháp các cấp. Một số Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh đã quan tâm, phân bổ kinh phí cho Sở Tư pháp từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng cơ bản còn hạn chế, chủ yếu cho tập huấn, kiểm tra (TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Bạc Liêu, Bình Phước, Đăk Lăk, Điện Biên, Long An).
Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được bố trí kinh phí riêng, chủ yếu sử dụng kinh phí của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phân bổ hàng năm cho Sở Tư pháp với mức hạn hẹp, chưa quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và sử dụng nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Hiện nay, một số Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản tổ chức triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Vấn đề còn lại là các Bộ, ngành liên quan, UBND các cấp cần quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất để phục vụ triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trong đó, cần ưu tiên, có giải pháp hỗ trợ các xã còn khó khăn, thiếu nguồn lực trong thực hiện.