15.447 phạm nhân đã được đặc xá nhân dịp lễ Quốc khánh 9/2/2013 để trở trở lại với tự do, về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, những buổi lễ Đặc xá đó không chỉ có niềm vui mà lẩn khuất đâu đó còn có những ánh mắt buồn bã của những phạm nhân đã bỏ lỡ cơ hội được đặc xá. Họ là những người sẽ phải quyết tâm hơn nữa để làm lại cuộc đời sau khi chấp hành đầy đủ án phạt.
Nỗi buồn người ở lại
Buổi lễ đặc xá tại Trại giam Công an tỉnh Hà Tĩnh, phạm nhân Lê Năng Lượng (SN 1965, quê ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đứng lọt thỏm trong đám phạm nhân với dáng người thấp nhỏ, đen đúa của mình. Rồi khi buổi lễ kết thúc, Lượng đưa mắt nhìn ra cổng trại giam, nơi người nhà của các phạm nhân đứng đợi người thân mình được trở về nhà. Trong đó không có vợ và 2 đứa con gái 9 và 5 tuổi của Lượng. Ánh Lượng vô hồn, thất thần, thể hiện cảm giác đau đớn từ tận tâm khảm y. Nhưng có lẽ, bây giờ ngoài tiếc nuối ra thì Lượng cũng không làm được gì hơn.
Ngày đặc xá còn có cả nỗi buồn của những phạm nhân chưa được trở lại với tự do |
Vốn sinh ra trong 1 gia đình nghèo, đi học đủ để nhận mặt chữ, Lượng đã nghỉ học, rồi cả đời bám lấy ruộng lúa, nương lạc cho đến lúc lấy vợ, sinh con. Cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy, nên Lượng chọn “thú vui” đánh bạc làm trò giải trí duy nhất trong những lúc nông nhàn. Tháng 8/2011, trong 1 lần mải mê với bát úp, xúc xắc, Lượng và 1 sống người nữa bị công an bắt, và phải nhận 24 tháng án tù treo.
Những tưởng sau đó, Lượng sẽ tu chí làm ăn, quên đi chiếu bạc đen đỏ. Nhưng không. Như y nói, cái trò đó muốn cai có khi còn khó hơn cả ma túy. Đến tháng 10/2012, sau khi đi bán hạt giống về, nghe theo lời rủ rê của đám “chiến hữu” cũ, lại có tiền trong túi, Lượng lại “chậc lưỡi” tìm đến sới bạc để “kiếm thêm it tiền tiêu” mà quên mất mình vẫn đang trong thời gian thụ án. Và 1 lần nữa, Lượng không thoát lưới trời. Lần này tất nhiên chẳng ai có thể tha thứ được cho Lượng. 5 tháng tù nữa, cộng với hơn 1 năm tù treo bây giờ chuyển thánh tù giam, Lượng phải ngồi tù gần 2 năm và buồn hơn, theo quy định thì có cố gắng cải tạo đến mấy y cũng không bao giờ được xét đặc xá.
Lượng vào trại giam và canh cánh nỗi lo khi để lại vợ với gánh nặng cuộc sống nuôi 2 đứa con nhỏ. |
Phạm nhân Nguyễn Cảnh Chín (SN 1987, quê ở Đô Lương, Nghệ An) được đọc bài phát biểu để thay mặt các phạm nhân chưa được đặc xá ở trại giam Xuân Hà (Tổng cục 8 – Bộ CA) hứa quyết tâm sẽ ở lại cải tạo tốt. Không khó để nhận ra tâm trạng đầy tiếc nuối của Chín khi đọc bài phát biểu. Vào trại giam từ năm 2009, đã trải qua 3 đợt đặc xá không có tên mình đủ để Chín thêm tiếc nuối, ân hận. Chín phải trả giá bằng 5,5 năm tù cho hành vi “cướp tài sản” có tổ chức và sử dụng hung khí của mình. Cũng với những tình tiết đó, Chín bị xếp vào danh sách không bao giờ được xét đặc xá.
“Cứ mỗi đợt đặc xá là hàng đêm em không ngủ được anh ạ. Dù biết chắc chắn chẳng có tên mình trong danh sách đặc xá, nhưng em vẫn cứ có tâm trạng hồi hộp chờ đợi trong vô vọng. Ngày trước, em cũng là giáo viên dạy vẽ ở trường cấp 1 của huyện. Trong 1 lần uống rượu với đám bạn cùng quê, mấy anh em rủ nhau ra đường đứng cho mát mẻ để tỉnh rượu. Vừa lúc đó, 1 chiếc ô tô đang đi qua. Đang hơi men, anh em bàn nhau về lấy thêm ít con dao cho “hầm hố” rồi chặn chiếc xe đó lại và “xin” lái xe 100 ngàn. Chính hành động dại dột đó đã khiến tương lai em đổ vỡ. Công việc ổn định và cô người yêu đang chuẩn bị cưới rời bỏ em khi em bước vào cánh cổng trại”.
Chưa phải là quá muộn
Lượng, Chín và hàng vạn phạm nhân khác nữa chưa hoặc sẽ không bao giờ được đặc xá có thể tiếc vì những đợt đặc xá đến rồi lại đi mà mình không có tên trong danh sách. Nhưng nếu quyết tâm, họ vẫn có thể được giảm án, để sớm trở lại với cuộc sống tự do.
Lượng nhìn về phía cảnh cổng trại đang đóng kín, bảo tôi, cứ thêm 1 ngày “bóc lịch” là lòng anh lại như lửa đốt. Kinh tế gia đình vốn sống nhờ vào nương lạc. Bây giờ, lao động chính thì đang ở trong tù, mọi nguồn kinh tế để tiếp tục nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học đổ lên đôi vai vợ Lượng. “Khi tôi chưa dính vào tù tội, cả năm làm việc quần quật cũng chỉ được hơn 10 triệu, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Bây giờ, ngoài trồng lạc, ban ngày vợ tôi phải gửi con cho nhà người quen để vào rừng chặt củi, hái măng kiếm thêm tiền nuôi con và gửi vào cho tôi. Biết là mình lầm lỡ, đành quyết tâm cải tạo. hơn 1 năm nữa tôi được tự do rồi. Tôi sẽ tu chí cùng vợ nuôi con chúng tôi ăn học thành người. Các cháu nhà tôi ngoan và học giỏi lắm. Hi vọng bây giờ đặt vào 2 đứa con, và cuộc đời tôi biết đâu rồi sẽ hạnh phúc vì chưa phải là quá muộn nếu tôi đủ quyết tâm”.
Với Chín và nhiều phạm nhân khác, chưa phải là quá muộn để họ làm lại cuộc đời và chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ |
Còn với Chín, Chín tâm sự với tôi là Chín tiếc lắm. Tương lai của Chín lúc đó đang rất sáng sủa. Chín đang học liên thông lên đại học, chỉ ít tháng nữa là xong. Mà cả huyện Đô Lương của Chín, giáo viên mỹ thuật đếm trên đầu ngón tay, Chín lại có năng lực. Chín bảo, nhiều đêm Chín mơ mình được trời ban cho một điều ước. Và Chín đã ước sẽ được quay trở lại cách đây nhiều năm, và Chín sẽ tránh xa đám bạn đã rủ Chín làm những điều xấu. Sai lầm “chọn bạn mà chơi” cùng 1 phút bốc đồng do men rượu đã khiến Chín phải trả 1 cái giá quá đắt.
“16 tháng nữa là em được tự do. Em đang đếm từng ngày để được làm lại cuộc đời. Bây giờ, ra tù em cũng không thể đi dạy nữa. Mình còn mặt mũi đâu mà đi dạy học sinh nữa hả anh. Có 1 người bạn của em làm nghề thiết kế đồ họa vào thăm bảo sau sẽ giúp đỡ em, vì em cũng có năng khiếu về mỹ thuật. Dù sao, em cũng đã có 1 bài học lớn trong cuộc đời, một bài học mà em phải khắc cốt ghi tâm. Và, khi trở lại với tự do, em sẽ trở thành 1 con người khác, sẽ phải sống tốt hơn nữa, đóng góp nhiều cho xã hội hơn nữa để đền lại những sai lầm của tuổi trẻ bốc đồng. Sẽ không phải là quá muộn, đúng không anh?!” – Chín cười buồn.
Hoàng Phan